Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy từ ngày 01/7/2014 được quy định như thế nào?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân từ ngày 01/7/2014 được quy định cụ thể tại Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 và Luật phòng cháy và chữa cháy 2001.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 và Điều 33 Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 thì trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được quy định cụ thể như sau:
- Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.
- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.
- Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.
- Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.
- Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật