Điều kiện để thành lập bảo tàng tư nhân theo quy định hiện hành
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội (sau đây gọi là sưu tập) nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân.
Hệ thống bảo tàng ở nước ta hiện nay bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập. Việc thành lập bảo tàng ở nước ta phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Theo đó, theo quy định tại Điều 49 Luật Di sản văn hóa 2001 thì các tổ chức, cá nhân muốn thành lập bảo tàng thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề;
- Có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản;
- Có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng.
Thủ tục xác nhận đủ điều kiện được cấp giấy phép và thủ tục cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân có yêu cầu xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bảo tàng ngoài công lập nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động và Đề án hoạt động bảo tàng đến Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nơi đặt trụ sở bảo tàng.
- Tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện một (01) bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bảo tàng và văn bản xác nhận đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở bảo tàng.
Thủ tục thành lập bảo tàng được thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập bảo tàng phải gửi hồ sơ đề nghị thành lập đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ đề nghị thành lập bảo tàng gồm:
+ Văn bản đề nghị thành lập;
+ Giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các điều kiện luật định kể trên;
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, quyết định; trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật