Công chứng khi chưa có chữ ký của các bên
Theo khoản 1 điều 48 Luật công chứng 2014 về ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng quy định: "Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên. Trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì người đó có thể ký trước vào hợp đồng; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện việc công chứng".
Theo khoản 1 điều 46 Luật công chứng 2014 về lời chứng của công chứng viên quy định: " Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng."
Như vậy, việc công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng ký vào hợp đồng mua bán xe ô tô, ký trước vào hợp đồng soạn sẵn giữa bạn và cửa hàng xe ô tô là trái quy định của pháp luật.
Theo điểm d khoản 2 điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã ( Nghị định 110/2013/NĐ-CP) quy định: "Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng ký vào văn bản công chứng trừ trường hợp pháp luật quy định".
Hành vi trên của công chứng viên bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật