Chữ ký số được hiểu như thế nào?
Về vấn đề này thì tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định 26/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số có quy định như sau:
"Điều 3. Giải thích từ ngữ
..........
4. "Chữ ký số" là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
a) Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khoá bí mật tương ứng với khoá công khai trong cùng một cặp khóa;
b) Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên."
Như vậy, theo quy định này thì có thể thấy chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã có khả năng tạo được cặp khóa bao gồm khoá bí mật và khoá công khai.
Để hiểu hơn về vấn đề này thì tại Điều này cũng có quy định về khóa, khóa bí mật và khóa công khai như sau:
- “Khoá” là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã.
- “Khóa bí mật” là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.
- “Khóa công khai” là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khoá bí mật tương ứng trong cặp khoá.
Đối với quy trình sử dụng chữ ký số thì bạn có thể hiểu đơn giản như sau:
+ Đầu tiên, để ký vào thông điệp dữ liệu thì người sử dụng chữ ký số sẽ đưa khóa bí mật vào một chương trình phần mềm để tự động tạo và gắn chữ ký số vào thông điệp dữ liệu đó;
+ Sau đó, tổ chức, cá nhân nhận được thông điệp dữ liệu được ký số bởi người ký, sử dụng khóa công khai của người ký đó để kiểm tra chữ ký số trong thông điệp dữ liệu nhận được và tiến hành các hoạt động, giao dịch có liên quan.
Trên đây là nội dung trả lời về "Chữ ký số". Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Nghị định 26/2007/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật