Thủ tục từ chối giám định, phiên dịch trong tố tụng cạnh tranh
Theo quy định hiện hành thì:
- Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh trưng cầu hoặc được các bên liên quan đề nghị trưng cầu và được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận theo quy định của pháp luật. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh trong những trường hợp sau đây:
+ Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 83 của Luật Cạnh tranh 2004;
+ Đã tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là luật sư, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ việc cạnh tranh đó;
+ Đã tiến hành tố tụng trong vụ việc cạnh tranh đó với tư cách là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng cạnh tranh không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch do các bên đương sự thoả thuận lựa chọn và được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận hoặc do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh cử. Người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh trong những trường hợp sau đây:
+ Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 83 của Luật Cạnh tranh 2004;
+ Đã tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là luật sư, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ việc cạnh tranh đó;
+ Đã tiến hành tố tụng trong vụ việc cạnh tranh đó với tư cách là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo quy định tại Điều 72 Luật Cạnh tranh 2004 thì thủ tục từ chối giám định, phiên dịch trong tố tụng cạnh tranh được quy định như sau:
- Việc từ chối giám định, phiên dịch trước khi mở phiên điều trần phải được lập thành văn bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối.
- Việc từ chối giám định, phiên dịch tại phiên điều trần phải được ghi vào biên bản phiên điều trần.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật