Các trường hợp người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh
Người phiên dịch trong tố tụng cạnh tranh là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng cạnh tranh không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch do các bên đương sự thoả thuận lựa chọn và được Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh chấp nhận hoặc do Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh cử. Trong quá trình tham gia tố tụng cạnh tranh thì người phiên dịch có quyền và nghĩa vụ như sau:
- Có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Dịch trung thực, khách quan, đúng nghĩa;
- Đề nghị người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh giải thích thêm nội dung cần dịch;
- Không được tiếp xúc với những người tham gia tố tụng cạnh tranh khác nếu việc tiếp xúc đó có thể ảnh hưởng đến tính trung thực, khách quan, đúng nghĩa khi dịch;
- Được hưởng các khoản phí đi lại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật;
- Cam đoan trước Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Trong một số trường hợp cụ thể theo luật định để đảm bảo tính khách quan của người phiên dịch trong quá trình tham gia tố tụng cạnh tranh thì người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh.
Theo đó, theo quy định tại Điều 70 Luật Cạnh tranh 2004 thì người phiên dịch phải từ chối tham gia tố tụng cạnh tranh trong những trường hợp sau đây:
- Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 83 của Luật Cạnh tranh 2004;
- Đã tham gia tố tụng cạnh tranh với tư cách là luật sư, người làm chứng, người giám định trong cùng vụ việc cạnh tranh đó;
- Đã tiến hành tố tụng trong vụ việc cạnh tranh đó với tư cách là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật