Không có báo hiệu trước khi vượt có bị xử phạt hay không?
Theo quy định của pháp luật thì người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Theo đó, theo quy định tại Điều 14 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi lưu thông trên đường, xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn. Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải. Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải.
Như vậy, pháp luật quy định các phương tiện khi lưu thông trên đường bộ mà muốn vượt các xe phía trước thì phải báo hiệu bằng đèn hoặc còi để người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho xe xin vượt chạy qua. Trường hợp trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Trường hợp vượt xe mà không có báo hiệu trước khi vượt thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vượt xe khác đi phía trước mà không có báo hiệu trước khi vượt;
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vượt xe khác đi phía trước mà không có báo hiệu trước khi vượt;
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vượt xe khác đi phía trước mà không có báo hiệu trước khi vượt.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật