Các chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự do người phải thi hành án chịu trách nhiệm chi trả
Theo quy định thì việc cưỡng chế thi hành án dân sự sẽ dựa trên các căn cứ bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án; quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trong các trường hợp cụ thể thì chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự có thể do người phải thi hành án, người được thi hành án hoặc ngân sách nhà nước chịu.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế thi hành án sau đây:
- Chi phí thông báo về cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu, thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này;
- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;
- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ;
- Tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án.
Các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án được thanh toán theo mức chi thực tế, hợp lý do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự duyệt theo đề xuất của Chấp hành viên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật