Khởi kiện vụ án tranh chấp lao động của Công đoàn được quy định như thế nào?
Khởi kiện vụ án tranh chấp lao động của Công đoàn được quy định tại Mục 6.2 Phần I Hướng dẫn 95/HD-TLĐ năm 2016 Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng giải quyết vụ tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, cụ thể như sau:
- Xây dựng phương án khởi kiện.
+ Xác định cơ sở pháp lý và chứng cứ để quyết định khởi kiện hay không khởi kiện; kiện ai, kiện về việc gì?
+ Kiểm tra và xác định các Điều kiện khởi kiện vụ án lao động: quyền khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án, Điều kiện hòa giải, vụ việc tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, biên bản hòa giải không thành, hoặc hòa giải thành mà bên NSDLĐ không thi hành.
- Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, gồm:
+ Đơn khởi kiện.
+ Đơn đề nghị Tòa án có thẩm quyền nhập, tách vụ án, áp dụng án lệ (nếu có).
+ Các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý (Giấy ủy quyền có công chứng, giấy giới thiệu cán bộ công đoàn tham gia tố tụng tại Tòa án).
+ Nội dung khởi kiện.
+ Các loại tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, của tập thể người lao động trong trường hợp người lao động, tập thể người lao động ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện, quyền, lợi ích hợp pháp của Công đoàn bị xâm hại (gọi chung là quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện). Trường hợp vì lý do khách quan mà không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện thì Công đoàn phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để có thể chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Công đoàn bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
- Nộp đơn khởi kiện (Điều 190 BLTTDS 2015):
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền.
+ Gửi qua đường Bưu chính.
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
- Khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 194 BLTTDS 2015):
+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Công đoàn có quyền khiếu nại đối với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của thẩm phán, Công đoàn có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án cấp trên có hiệu lực thi hành ngay.
+ Trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án cấp trên có vi phạm pháp luật, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, Công đoàn có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định của Chánh án phải giải quyết là quyết định cuối cùng.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật