Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế về việc hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
Việc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế về việc hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được quy định tại Điều 21 Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018 như sau:
1. Trình tự thực hiện kiểm tra
a) Cơ quan hải quan gửi quyết định kiểm tra cho người nộp thuế trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày ký.
b) Đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày gửi quyết định.
c) Công bố quyết định kiểm tra: Trưởng đoàn kiểm tra công bố quyết định kiểm tra và lập biên bản công bố Quyết định kiểm tra theo mẫu số 23/BBCB/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC .
d) Thời gian kiểm tra
Thời gian kiểm tra không quá 05 (năm) ngày làm việc (tại cơ sở sản xuất, trụ sở của người nộp thuế). Đối với trường hợp phức tạp cần kéo dài thời gian để xác minh, thu thập tài liệu thì chậm nhất là trước 01 (một) ngày làm việc kết thúc thời hạn kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo bằng văn bản với người đã ký quyết định kiểm tra để ban hành Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra. Người đã ký quyết định kiểm tra thực hiện ký quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, thời gian ra hạn kiểm tra không quá 05 ngày làm việc. Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra theo mẫu số 25/QĐGH/TXNK được quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC .
Trường hợp người nộp thuế không chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan hải quan, đoàn kiểm tra lập biên bản để làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Kết quả kiểm tra phải lập biên bản giữa đoàn kiểm tra với đại diện có thẩm quyền của người nộp thuế mẫu số 24/BBKT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT- BTC.
đ) Phạm vi kiểm tra:
đ.1) Phạm vi kiểm tra phải được ghi rõ trong quyết định kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, trường hợp cần mở rộng phạm vi kiểm tra để xác định chính xác số tiền thuế được hoàn, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo người đã ký quyết định kiểm tra xem xét, phê duyệt và ban hành Quyết định kiểm tra (sửa đổi) theo mẫu số 22/QĐKT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC để mở rộng phạm vi kiểm tra so với quyết định kiểm tra lần đầu.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện kế toán trên máy vi tính bằng phần mềm kế toán (đáp ứng quy định tại Thông tư 103/2005/TT-BTC ngày 24/11/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn và điều kiện của phần mềm kế toán và các văn bản sửa đổi bổ sung), đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp sổ kế toán trên các dữ liệu điện tử, có nội dung như bản người nộp thuế đã in ra để lưu trữ (không yêu cầu người nộp thuế in ra giấy).
đ.2) Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên trong đoàn kiểm tra không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp các thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra.
e) Nội dung kiểm tra:
Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 63 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Việc kiểm tra được thực hiện tuần tự theo các nội dung sau đây và dừng lại khi có đủ căn cứ xác định chính xác số tiền thuế người nộp thuế được hoàn/không thu:
e.1) Kiểm tra hồ sơ hải quan, hồ sơ hoàn thuế, chứng từ, sổ sách kế toán, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, nhập kho; đối chiếu số tiền thuế đề nghị hoàn với số tiền thuế đã thu trên hệ thống kế toán tập trung của cơ quan hải quan, thông tin trong hồ sơ hoàn thuế với các thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan liên quan đến tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu có số tiền thuế người nộp thuế đề nghị hoàn/không thu, kiểm tra các chứng từ và tài liệu khác có liên quan;
e.2) Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì thực hiện kiểm tra nội dung kê khai của người nộp thuế về tỷ lệ khấu hao, cách tính tỷ lệ khấu hao trên sổ sách chứng từ kế toán, phân bổ giá trị hàng hóa trong thời gian sử dụng và lưu tại Việt Nam;
e.3) Trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP nếu kiểm tra lần đầu hoặc chưa có kết luận kiểm tra cơ sở sản xuất phải kiểm tra cơ sở sản xuất, quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất. Kiểm tra sự phù hợp giữa định mức sử dụng thực tế sản xuất ghi trên báo cáo tính thuế nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo mẫu số 10 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP với sổ sách, chứng từ kế toán của người nộp thuế và tài liệu kỹ thuật;
e.4) Trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất; hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép, hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo các quy định về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa, cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, chứng từ, sổ sách kế toán, chứng từ thanh toán; đối chiếu số tiền thuế đề nghị hoàn với số tiền thuế đã thu trên Hệ thống kế toán tập trung của cơ quan hải quan và các chương trình quản lý khác có liên quan.
e.5) Kiểm tra thực tế quy trình sản xuất
Kiểm tra định mức thực tế sản xuất sản phẩm (nếu có); nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất (nếu có); Kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm hoàn chỉnh với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu (trường hợp sản phẩm hoàn chỉnh cùng loại với sản phẩm đề nghị hoàn thuế còn lưu tại kho của người nộp thuế); kiểm tra sản phẩm dở dang đang trong quá trình sản xuất (nếu có); Kiểm tra số lượng, chủng loại sản phẩm hoàn chỉnh chưa xuất khẩu (nếu có); Kiểm tra phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa trong kho (nếu có);
Kiểm tra thực tế tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu; hàng hóa đã xuất khẩu nhưng phải tái nhập đang đề nghị hoàn thuế (nếu có).
e.6) Kiểm tra, xác minh các giao dịch của người nộp thuế với các tổ chức, cá nhân khác có liên quan (đối với vụ việc có tính chất phức tạp, cần tiến hành kiểm tra để làm rõ).
2. Gia hạn thời gian kiểm tra
Đối với trường hợp phức tạp không thể kết thúc kiểm tra trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, cần kéo dài thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chậm nhất là trước 01 (một) ngày làm việc kết thúc thời hạn kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản với người đã ký Quyết định kiểm tra để ban hành Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra theo mẫu số 25/QĐGH/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC .
Thời hạn gia hạn kiểm tra không quá 05 (năm) ngày làm việc. Trưởng đoàn kiểm tra thực hiện công bố Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra, lập biên bản công bố quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Lập biên bản kiểm tra
Đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra mẫu số 24/BBKT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.
4. Kết luận kiểm tra
Lập dự thảo kết luận kiểm tra và gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra theo mẫu số 26/KLKT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC hoặc gửi bằng fax hoặc thư bảo đảm hoặc giao trực tiếp cho người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế không thống nhất với dự thảo kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan, trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận kiểm tra, người nộp thuế phải gửi văn bản giải trình cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc gửi văn bản giải trình bản giấy cho cơ quan hải quan.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế hết thời hạn giải trình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ban hành kết luận kiểm tra. Trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc không đủ điều kiện hoàn thuế.
Trên đây là nội dung quy định về việc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế về việc hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật