Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công, viên chức và người lao động

Tôi đang là công chức, đã làm việc 5 năm tại cơ quan nhà nước ở Bình Phước. Tôi muốn tìm hiểu về điều kiện để được nâng lương và phải đáp ứng tiêu chuẩn gì để được nâng lương. Cho tôi hỏi: Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công, viên chức và người lao động được quy định như thế nào? Có văn bản nào quy định về vấn đề này không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Xin cảm ơn! Minh Vũ (0122***)

Điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công, viên chức và người lao động được quy định tại Điều 5 Quy chế Nâng bậc lương thường xuyên, trước thời hạn đối với công, viên chức và người lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Quyết định 51/QĐ-LĐTBXH năm 2014 như sau:

Công chức, viên chức và người lao động chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (sau đây gọi là ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức (sau đây gọi là chức danh) thì được xét nâng 1 bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

1. Điều kiện về thời gian giữ bậc trong ngạch, trong chức danh

a) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại A3, A2, A1, A0 thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.

b) Đối với công chức, viên chức và người lao động giữ ngạch, chức danh loại B, C và nhân viên thừa hành, phục vụ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.

2. Tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên

Công chức, viên chức, người lao động có đủ điều kiện thời gian giữ bậc quy định tại Khoản 1 Điều này và qua đánh giá, đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng 1 bậc lương thường xuyên:

a) Đối với công chức:

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

b) Đối với viên chức và người lao động:

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Trên đây là nội dung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét nâng bậc lương thường xuyên đối với công, viên chức và người lao động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 51/QĐ-LĐTBXH năm 2014.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nâng bậc lương viên chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào