Tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan
Tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan được quy định tại Điều 12 Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018 như sau:
1. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ giảm thuế
a) Hồ sơ giảm thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
b) Chi cục Hải quan đăng ký tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu phát sinh số tiền thuế người nộp thuế đề nghị giảm chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ giảm thuế (bao gồm các trường hợp hồ sơ giảm thuế được nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP và hồ sơ giảm thuế trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP). Không tiếp nhận hồ sơ giảm thuế qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hoặc Dịch vụ công trực tuyến do chứng từ trong hồ sơ giảm thuế người nộp thuế phải nộp 03 bản chính và 01 bản chụp có đóng dấu sao y bản chính theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
c) Trường hợp người nộp thuế gửi hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp cho cơ quan hải quan, bộ phận văn thư đóng dấu “Công văn đến” vào sổ công văn như đối với trường hợp tiếp nhận công văn đến.
d) Lãnh đạo Chi cục phân công công chức xử lý hồ sơ; công chức kiểm tra thực tế hàng hóa bị thiệt hại (đối với hồ sơ giảm thuế được nộp trong quá trình làm thủ tục hải quan) ngay sau khi nhận đủ hồ sơ giảm thuế.
2. Kiểm tra thực tế hàng hóa bị thiệt hại
Công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện như sau:
Căn cứ hồ sơ đề nghị giảm thuế của người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, các thông tin về tờ khai hải quan trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan để tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa bị thiệt hại, chụp ảnh hàng hóa bị thiệt hại (nếu cần thiết).
Kết thúc kiểm tra lập biên bản theo mẫu số 24/BBKT/TXNK được quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC , trong đó nêu rõ tên hàng, mã số, xuất xứ, số lượng, chủng loại, quy cách (trừ trường hợp hàng hóa bị thiệt hại không thể kiểm tra được thực tế như xăng dầu, hóa chất, chất lỏng, hàng hóa bị cháy, nổ). Trường hợp có nhiều mặt hàng bị thiệt hại thì lập bảng kê chi tiết đính kèm biên bản.
Sau khi kiểm tra thực tế hàng hóa bị thiệt hại, công chức kiểm tra thực tế hàng hóa bàn giao toàn bộ hồ sơ cho công chức được giao nhiệm vụ xử lý hồ sơ giảm thuế.
3. Xử lý hồ sơ giảm thuế
a) Công chức xử lý hồ sơ thực hiện:
a.1) Kiểm tra toàn bộ hồ sơ giảm thuế; chứng từ bảo hiểm và các chứng từ khác có liên quan để xác định mức độ thiệt hại;
a.2) Kiểm tra số liệu thực tế hàng hóa bị thiệt hại ghi trên biên bản của công chức kiểm tra thực tế hàng hóa;
a.3) Đối chiếu các thông tin về số tiền đề nghị giảm thuế với dữ liệu trên hệ thống VNACCS, Hệ thống thông tin nghiệp vụ hải quan VCIS, Hệ thống E- Customs và các chương trình quản lý có liên quan. Trường hợp hồ sơ đầy đủ công chức xử lý hồ sơ lập Tờ trình theo mẫu số 02/TT/TXNK ban hành kèm theo Quy trình này, dự thảo quyết định giảm thuế theo mẫu số 04/QĐ/TXNK ban hành kèm theo Quy trình này báo cáo lãnh đạo Đội/bộ phận để trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt;
a.4) Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, công chức xử lý hồ sơ lập Tờ trình theo mẫu số 02/TT/TXNK ban hành kèm theo Quy trình này kèm Thông báo theo mẫu số 11/TBBSHS/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC ghi rõ những chứng từ còn thiếu và yêu cầu người nộp thuế bổ sung, báo cáo lãnh đạo Đội/bộ phận trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt. Sau khi Lãnh đạo Chi cục phê duyệt, công chức xử lý hồ sơ chuyển thông báo cho bộ phận văn thư để gửi cho người nộp thuế. Việc gửi thông báo bổ sung hồ sơ phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
a.5) Trường hợp người nộp thuế giải trình, bổ sung hồ sơ bằng văn bản, công chức xử lý hồ sơ lưu văn bản giải trình vào hồ sơ xét giảm thuế.
a.6) Trường hợp người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin trực tiếp với cơ quan hải quan công chức xử lý hồ sơ phải tiến hành lập Biên bản làm việc theo mẫu số 18/BBLV/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT- BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT-BTC .
a.7) Trường hợp đã giải trình nhưng cơ quan hải quan xác định hồ sơ không thuộc đối tượng giảm hoặc không đủ điều kiện giảm thuế thì công chức xử lý hồ sơ lập Tờ trình theo mẫu số 02/TT/TXNK ban hành kèm theo Quy trình này và dự thảo Thông báo theo mẫu số 12/TBKTT/TXNK quy định tại Phụ lục III Thông tư số 39/2018/TT-BTC thay thế Phụ lục VI Thông tư 38/2015/TT- BTC báo cáo lãnh đạo Đội/bộ phận trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt. Sau khi lãnh đạo Chi cục phê duyệt, công chức xử lý hồ sơ chuyển Thông báo tới bộ phận văn thư để gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
b) Lãnh đạo Đội/bộ phận thực hiện:
Kiểm tra nội dung công chức đề xuất, đối chiếu với các dữ liệu trên hệ thống, các tài liệu có liên quan trong hồ sơ, ký và ghi rõ ý kiến vào Tờ trình, trình lãnh đạo Chi cục phê duyệt. Trường hợp không đồng ý với nội dung đề xuất của công chức, lãnh đạo Đội/bộ phận ghi rõ ý kiến chuyển công chức xử lý hồ sơ thực hiện.
c) Lãnh đạo Chi cục thực hiện:
Kiểm tra lại các nội dung trong hồ sơ, phê duyệt vào Tờ trình, ký quyết định giảm thuế và các chứng từ có liên quan. Trường hợp không đồng ý với nội dung đề xuất, Lãnh đạo Chi cục ghi rõ ý kiến chuyển công chức xử lý hồ sơ thực hiện.
4. Phát hành quyết định giảm thuế
a) Công chức xử lý hồ sơ thực hiện:
Cấp mã số quản lý hải quan theo cấu trúc: Mã Chi cục Hải quan/Số thứ tự/Năm/Mã giảm thuế/Mã loại hình tờ khai (Mã giảm thuế đối với trường hợp nộp hồ sơ trong quá trình làm thủ tục hải quan là GT01; Mã giảm thuế đối với trường hợp nộp hồ sơ sau thời điểm làm thủ tục hải quan là GT02). Sau khi bộ phận văn thư phát hành quyết định, công chức xử lý hồ sơ cập nhật số liệu ghi trên Quyết định giảm thuế vào hệ thống kế toán tập trung và các chương trình có liên quan (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế nộp tờ khai hải quan giấy, ngoài việc cập nhật thông tin giảm thuế vào hệ thống kế toán tập trung, công chức xử lý hồ sơ ghi rõ số tiền thuế đã được giảm theo quyết định số/ngày/tháng/năm, đóng dấu công chức trên tờ khai hải quan do người nộp thuế nộp, sao lại 01 bản lưu hồ sơ giảm thuế, trả lại tờ khai hải quan gốc cho người nộp thuế.
b) Bộ phận văn thư thực hiện:
b.1) Đóng dấu, vào sổ theo quy định về ban hành văn bản đi, lưu 01 quyết định giảm thuế tại bộ phận văn thư, chuyển 01 quyết định giảm thuế cho công chức xử lý hồ sơ để lưu hồ sơ giảm thuế, chuyển 01 quyết định giảm thuế cho bộ phận kế toán thuế.
b.2) Chuyển 01 quyết định giảm thuế cho người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ qua đường bưu chính, bộ phận văn thư gửi quyết định giảm thuế và các văn bản có liên quan (nếu có) cho người nộp thuế qua đường bưu chính. Trường hợp người nộp thuế nhận trực tiếp quyết định giảm thuế tại cơ quan hải quan, bộ phận văn thư trả quyết định giảm thuế cho người nộp thuế, lập sổ giao nhận, ghi rõ số quyết định, họ tên, số chứng minh thư/hộ chiếu của người nhận quyết định.
Trên đây là nội dung quy định về việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ giảm thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1919/QĐ-TCHQ năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật