Đánh giá định kỳ công, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát hằng năm

Chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Tùng Long, tìm hiểu quy định của pháp luật về việc đánh giá công chức, viên chức hằng năm. Có thắc mắc tôi mong muốn nhận phản hồi từ Ban biên tập, cụ thể: Đánh giá định kỳ công, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát hằng năm được quy định như thế nào?

Đánh giá định kỳ công, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát hằng năm được quy định tại Điều 11 Quyết định 06/QĐ-VKSTC-V15 năm 2015 về Quy chế đánh giá, phân loại công, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:

1. Cá nhân tự đánh giá kết quả công tác, ưu, khuyết điểm của mình theo mẫu số 01 (đối với công chức), mẫu số 02 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Quy chế này.

2. Tổ chức hội nghị để nhận xét, tham gia góp ý kiến đối với cá nhân như sau:

a) Đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nơi chưa thành lập phòng) trở xuống thì tổ chức hội nghị toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị.

b) Đối với các chức vụ còn lại thì tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt. Thành phần hội nghị cán bộ chủ chốt gồm:

- Hội nghị đánh giá lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

- Hội nghị đánh giá Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Tập thể lãnh đạo đơn vị, Trưởng phòng và tương đương, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của đơn vị;

- Hội nghị đánh giá Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: Tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

- Hội nghị đánh giá Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: Tập thể lãnh đạo Viện nghiệp vụ và tương đương, Trưởng phòng, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của Viện nghiệp vụ và tương đương thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

- Hội nghị đánh giá Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh: Tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

- Hội nghị đánh giá Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi thành lập phòng: Tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

3. Đảng ủy (hoặc Chi ủy) cùng cấp nơi công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý công tác có ý kiến bằng văn bản về công chức, viên chức được đánh giá, phân loại.

4. Thẩm quyền nhận xét, đánh giá, phân loại (đánh giá) công chức, viên chức như sau:

a) Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đánh giá công chức, viên chức từ Phó Trưởng phòng và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trở xuống;

b) Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương đánh giá Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương, Trưởng phòng thuộc Viện nghiệp vụ và tương đương;

c) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh đánh giá Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Trưởng phòng và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;

d) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đánh giá Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương;

đ) Vụ trưởng và tương đương đánh giá Phó Vụ trưởng và tương đương, Trưởng phòng và tương đương;

e) Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách đơn vị đánh giá Vụ trưởng và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;

g) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, phân loại Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

h) Cấp đánh giá đối với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

Việc đánh giá hoàn thành trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.

5. Trường hợp phát hiện việc đánh giá không khách quan, không đúng quy định hoặc có ý kiến khác nhau thì Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đánh giá quy định tại Khoản 4 Điều này xem xét, quyết định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được đề nghị.

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viên chức

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào