Ném chất bẩn vào nhà, đe dọa bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;
- Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng;
- Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;
- Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng;
- Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác;
- Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời”;
- Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác.
=> Theo thông tin bạn cung cấp, họ có các hành vi ném chất bẩn và nhiều tập chất khác vào nhà bạn, theo quy định thì người có hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đồng thời, đối với hành vi đe dọa, bạn chưa cung cấp đầy đủ là đe dọa như thế nào và mức độ ảnh hưởng của bạn ra sao, nên mình thông tin đến bạn một số thông tin về tội đe dọa giết người, cụ thể:
Tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
=> Theo đó, đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Việc nhắn tin đe dọa như thế sẽ phạm vào tội đe dọa giết người nếu nội dung của tin nhắn có việc dọa giết, đồng thời nội dung phải làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Bạn căn cứ vào đó để mà xem xét mức độ nhé. Đồng thời, theo như bạn nói những thanh niên đó không lo làm ăn, học hành mà cứ chơi bời, thậm chí hút chích đó là những thành phần bất hảo nên mong bạn hãy cẩn thận. Để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bạn nên làm đơn tố cáo những hành vi đó lên UBND xã, phường, thị trấn nơi bạn cư trú hoặc báo ngay công an để sớm có cách giải quyết nhé.
Trên đây là nội dung cần tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật