Tiêu chí đánh giá hoạt động dạy và học của trung tâm dạy nghề
Tiêu chí đánh giá hoạt động dạy và học của trung tâm dạy nghề được quy định tại Điều 8 Thông tư 19/2010/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trung tâm dạy nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, theo đó:
1. Tiêu chuẩn 3.1 đăng ký và đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo quy định; thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh theo quy định, đảm bảo công bằng, khách quan, công khai.
a) Chỉ số 1: Có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động dạy nghề theo quy định;
b) Chỉ số 2: Hàng năm trung tâm dạy nghề có hướng dẫn về công tác tuyển sinh học nghề, theo quy định và được công bố công khai, rộng rãi cho người học và xã hội biết;
c) Chỉ số 3: Thực hiện nghiêm túc tuyển sinh đúng nghề, đúng quy mô theo đăng ký và đảm bảo công bằng, khách quan.
2. Tiêu chuẩn 3.2 thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của người học và có mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
a) Chỉ số 1: Đa dạng các phương thức tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của người học;
b) Chỉ số 2: Có mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình đào tạo;
c) Chỉ số 3: Hàng năm thu thập ý kiến đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên và người học về chất lượng, hiệu quả các phương thức đào tạo.
3. Tiêu chuẩn 3.3 có kế hoạch đào tạo, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện kế hoạch đào tạo đúng tiến độ, có hiệu quả và tổ chức dạy nghề theo mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề đã được phê duyệt.
a) Chỉ số 1: Có kế hoạch đào tạo cho từng khóa học, chi tiết đến từng mô-đun, môn học cụ thể cho các giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập lao động sản xuất;
b) Chỉ số 2: Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đào tạo bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả;
c) Chỉ số 3: Tổ chức dạy nghề theo mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề đã được phê duyệt theo quy định;
d) Chỉ số 4: Hàng năm rà soát, đánh giá hoạt động dạy nghề trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ phù hợp của hoạt động dạy nghề với mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề và điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.
4. Tiêu chuẩn 3.4 thực hiện phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học; đánh giá nghiêm túc kết quả học tập đảm bảo công bằng khách quan phù hợp với phương thức, hình thức đào tạo và đặc thù của mô-đun, môn học.
a) Chỉ số 1: Thực hiện các phương pháp dạy học tích cực hóa người học, khuyến khích phát triển năng lực tự học, sáng tạo và tinh thần hợp tác của người học;
b) Chỉ số 2: Hàng năm thu thập ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên, người học, người sử dụng lao động nhằm tổng kết, đánh giá và phổ biến kinh nghiệm áp dụng phương pháp dạy học tích cực hóa người học;
c) Chỉ số 3: Đánh giá nghiêm túc kết quả học tập, đảm bảo công khai, công bằng, khách quan, phù hợp với phương thức, hình thức đào tạo, đặc thù của mô-đun, môn học theo quy chế thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp và cấp chứng chỉ theo quy định.
5. Tiêu chuẩn 3.5 có đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của người học; được ghi chép đầy đủ, kịp thời, chính xác, lưu trữ an toàn, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và tra cứu; báo cáo đầy đủ cho cấp quản lý trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước.
a) Chỉ số 1: Có đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của người học theo quy định;
b) Chỉ số 2: Kết quả học tập, rèn luyện của người học được ghi chép đầy đủ, kịp thời, chính xác tại các sổ sách, biểu mẫu theo quy định và được lưu giữ đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và tra cứu;
c) Chỉ số 3: Báo cáo đầy đủ theo quy định cho cấp quản lý trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước.
Trên đây là tư vấn về tiêu chí đánh giá hoạt động dạy và học của trung tâm dạy nghề. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 19/2010/TT-BLĐTBXH. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật