Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc quản lý hạ tầng giao thông đường bộ được quy định ra sao?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Khoản 5 Điều 2 Quyết định 35/2018/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành với nội dung như sau:
- Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc để Bộ trưởng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tạo nguồn vốn và các quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
- Xây dựng trình Bộ trưởng quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống quốc lộ; quy định việc đấu nối vào đường bộ; quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định về báo hiệu đường bộ; quy định tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và tổ chức thực hiện;
- Quyết định đầu tư, chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
- Tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên quốc lộ do Tổng cục quản lý;
- Hướng dẫn công tác quản lý, bảo trì, khai thác và tổ chức giao thông đường địa phương; tổng hợp tình hình phát triển hệ thống đường địa phương trong phạm vi cả nước;
- Xây dựng đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong quản lý, bảo trì quốc lộ; trình Bộ trưởng ban hành khung giá bảo dưỡng thường xuyên tài sản hạ tầng đường bộ thuộc Bộ quản lý;
- Phối hợp với cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ;
- Tổ chức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch thực hiện sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công ích trong quản lý, bảo trì quốc lộ theo quy định của pháp luật;
- Quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức đối tác công - tư theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng;
- Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng đường bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.
Trên đây là nội dung trả lời về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Quyết định 35/2018/QĐ-TTg.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật