Quy trình kiểm tra hóa đơn tại trụ sở Cơ quan thuế
Quy trình kiểm tra hóa đơn tại trụ sở Cơ quan thuế được quy định tại Mục I Phần II Quy trình kiểm tra hoá đơn do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành kèm theo Quyết định 1403/QĐ-TCT năm 2015 như sau:
1. Thu thập, khai thác thông tin để kiểm tra hồ sơ, báo cáo tình hình tạo in phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân.
1.1. Bộ phận quản lý ấn chỉ thực hiện:
- Thu thập, khai thác và phân tích các thông tin từ các hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của các tổ chức cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Lập danh sách tổ chức cá nhân gửi các loại báo cáo chậm; Báo cáo có nội dung, số liệu sai lệch so với nội dung số liệu của cơ quan Thuế quản lý.
- Nhận dạng, phát hiện các hồ sơ có dấu hiệu nghi vấn về tạo, in, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn để chuyển cho bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn.
- Thời gian chuyển các hồ sơ có dấu hiệu nghi vấn cho bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn chậm nhất là sau 20 ngày so với quy định thời gian gửi hồ sơ, báo cáo về hóa đơn đối với Người nộp thuế gửi đến Cơ quan Thuế.
1.2. Bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn thực hiện:
Sử dụng dữ liệu của ngành và những dữ liệu thông tin khác (nếu có) về Người nộp thuế để đối chiếu, kiểm tra với các hồ sơ, báo cáo do bộ phận quản lý ấn chỉ chuyển sang. Qua đó, đánh giá lựa chọn hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của tổ chức cá nhân có rủi ro vi phạm về tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn để phục vụ cho công tác kiểm tra.
2. Căn cứ vào kết quả thu thập, khai thác thông tin tại điểm 1 nêu trên, bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn lựa chọn và phân loại hồ sơ, báo cáo về hóa đơn để xây dựng kế hoạch kiểm tra về việc tạo, in, phát hành và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân tại trụ sở Cơ quan Thuế:
2.1. Lựa chọn hồ sơ có rủi ro, sai sót:
a) Tổ chức, cá nhân nộp các hồ sơ, báo cáo về hóa đơn không đúng thời gian theo quy định của pháp luật tối thiểu một lần trong khoảng thời gian 01 năm tài chính;
b) Nội dung báo cáo về việc nhận in hóa đơn của nhà in; báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn; thông báo kết quả hủy hóa đơn; báo cáo mất, cháy, hỏng hóa đơn không phù hợp với nội dung tại thông báo phát hành hóa đơn và các nội dung khác của người nộp thuế đăng ký tại Cơ quan Thuế;
c) Các doanh nghiệp thuộc tiết đ, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn:
- Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
- Doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu dưới 15 tỷ đồng và có một trong các dấu hiệu sau:
+ Không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất sau: nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và các cơ sở vật chất khác.
+ Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi.
+ Doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
+ Doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác mà chủ các doanh nghiệp này có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên Tờ khai quyết toán thuế TNDN của năm quyết toán.
+ Doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuê theo quy định: Không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh theo giấy phép đăng ký kinh doanh; nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông báo tạm nghỉ kinh doanh với cơ quan thuế và cơ quan thuế kiểm tra xác nhận doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai thuế; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không khai báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế kiểm tra không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú của người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp.
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị khởi tố về tội trốn thuế, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
+ Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng mà không khai báo theo quy định hoặc không kê khai, nộp thuế ở nơi đăng ký mới theo quy định.
+ Doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường khác theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế của cơ quan thuế.
2.2. Phân loại hồ sơ, báo cáo về hóa đơn.
a) Tổng hợp những hồ sơ có rủi ro, sai sót tại các tiết a, b điểm 2.1, mục I nêu trên để đưa vào danh sách kế hoạch các hồ sơ kiểm tra việc tạo, in. phát hành và sử dụng hóa đơn tại trụ sở Cơ quan Thuế theo mẫu số 01/KTHĐ ban hành kèm theo quy trình này.
b) Lập danh sách các tổ chức, cá nhân có rủi ro tại tiết c, điểm 2.1, mục I nêu trên báo cáo lãnh đạo bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế chuyển hồ sơ cho bộ phận Kiểm tra (hoặc bộ phận Thanh tra) Cục Thuế theo mẫu số 02/KTHĐ ban hành kèm theo quy trình này để đưa vào kế hoạch kiểm tra hoặc thanh tra chấp hành pháp luật thuế, kết hợp với nội dung kiểm tra, thanh tra hóa đơn tại trụ sở Người nộp thuế.
c) Lập danh sách các tổ chức, cá nhân bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh tự nghỉ kinh doanh không khai báo với cơ quan thuế theo mẫu số 03/KTHĐ ban hành kèm theo quy trình này để thực hiện việc kiểm tra, xác định, làm cơ sở cho việc ra thông báo tổ chức, cá nhân bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, tự ý nghỉ kinh doanh.
2.3. Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân tại trụ sở Cơ quan Thuế:
Căn cứ phân loại hồ sơ, báo cáo về hóa đơn nêu tại điểm 2.2, mục I trên đây bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn tổ chức lập kế hoạch kiểm tra hóa đơn:
- Kế hoạch kiểm tra hóa đơn năm sau phải được lập xong trước ngày 01/12 năm trước để trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế phê duyệt trước ngày 10/12 hàng năm;
- Kế hoạch kiểm tra hóa đơn được bổ sung hàng quý chậm nhất là sau 40 ngày so với quy định thời gian gửi báo cáo in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân đến Cơ quan Thuế.
- Hồ sơ trình lãnh đạo Cơ quan Thuế duyệt kế hoạch kiểm tra hóa đơn và kế hoạch bổ sung kiểm tra hóa đơn gồm:
+ Danh sách các tổ chức cá nhân kiểm tra về hóa đơn tại trụ sở Cơ quan Thuế (theo mẫu số 01/KTHĐ ban hành kèm theo quy trình này);
+ Tờ trình đề nghị lãnh đạo phê duyệt kế hoạch hoặc bổ sung kế hoạch.
+ Các tài liệu nghi vấn, rủi ro kèm theo.
3. Nội dung kiểm tra hồ sơ, báo cáo về việc tạo, in phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của các tổ chức, cá nhân tại Cơ quan Thuế theo kế hoạch.
Trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hóa đơn (hoặc kế hoạch bổ sung) đã được phê duyệt, bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn tổ chức công tác kiểm tra đối với các trường hợp sau:
3.1. Đối với tổ chức được tự in hóa đơn và các tổ chức đặt in hóa đơn:
- Kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu trên hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của quý này (hoặc tháng với trường hợp phải báo cáo tháng) với các chỉ tiêu trong hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của quý trước (hoặc tháng trước) như: số lượng hóa đơn tồn kỳ trước chuyển sang; số lượng hóa đơn thông báo phát hành; số hóa đơn đã sử dụng; số hóa đơn hủy, mất, hỏng...
- Kiểm tra tính liên tục, logic của số lượng hóa đơn xuất dùng được phản ánh trên báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn để phát hiện tình trạng sử dụng cách số hóa đơn, trùng hóa đơn.
- Đối chiếu các báo cáo của tổ chức đặt in hóa đơn và báo cáo tổ chức nhận in hóa đơn xem có phù hợp không.
Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, báo cáo về hóa đơn và các hồ sơ có liên quan đến hóa đơn tại Cơ quan Thuế xác định được các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện để tự in hóa đơn hoặc vi phạm các quy định về tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn thì công chức kiểm tra hóa đơn phải lập biên bản vi phạm báo cáo Thủ trưởng Cơ quan Thuế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3.2. Đối với tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in:
- Kiểm tra điều kiện tổ chức nhận in hóa đơn, tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn.
- Kiểm tra các chỉ tiêu trên báo cáo về việc nhận in hóa đơn của tổ chức nhận in hóa đơn với các tổ chức, cá nhân đặt in hóa đơn; Báo cáo về việc cung cấp phần mềm tự in hóa đơn của tổ chức cung ứng phần mềm tự in hóa đơn.
- Kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu trên báo cáo về việc nhận in hóa đơn của quý này với các chỉ tiêu trong báo cáo về việc nhận in hóa đơn của quý trước.
- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, báo cáo về hóa đơn với các thông tin, tài liệu thu thập từ hồ sơ khai thuế của Người nộp thuế.
- Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, báo cáo về hóa đơn với các thông tin, tài liệu thu thập từ các nguồn khác.
Trường hợp qua kiểm tra, đối chiếu phát hiện tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện để in hóa đơn, tổ chức không đủ điều kiện cung ứng phần mềm tự in hóa đơn hoặc vi phạm các quy định về in ấn hóa đơn thì công chức kiểm tra hóa đơn phải lập biên bản vi phạm báo cáo lãnh đạo bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
3.3. Đối với tổ chức, cá nhân mua hóa đơn tại Cơ quan Thuế.
- Kiểm tra tính hợp lý của các thông tin ghi trong đơn đề nghị mua hóa đơn.
- Kiểm tra sổ mua hóa đơn được Cơ quan Thuế cấp.
- Kiểm tra đối chiếu họ tên, số chứng minh thư nhân dân của người trực tiếp đến mua hóa đơn với họ tên, số chứng minh thư ghi trong đơn hoặc trong giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền.
- Kiểm tra, đối chiếu số lượng hóa đơn đăng ký mua lần trước đã sử dụng để đảm bảo số lượng hóa đơn bán tối đa không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của lần mua trước đó.
- Kiểm tra, đối chiếu hóa đơn được sử dụng, số lượng đã sử dụng kỳ trước.
4. Xử lý kết quả kiểm tra hồ sơ, báo cáo về hóa đơn tại trụ sở cơ quan Thuế
4.1. Kết thúc kiểm tra mỗi hồ sơ, báo cáo về hóa đơn, công chức kiểm tra hóa đơn phải nhận xét hồ sơ, báo cáo về hóa đơn (theo mẫu số 04/KTHĐ kèm theo quy trình này).
4.2. Xử lý sau khi nhận xét hồ sơ, báo cáo về hóa đơn:
4.2.1. Đối với các hồ sơ, báo cáo về hóa đơn khai đầy đủ chỉ tiêu; đảm bảo tính hợp lý, chính xác của các thông tin, tài liệu trên hồ sơ; không có dấu hiệu vi phạm thì bản nhận xét hồ sơ, báo cáo về hóa đơn được lưu lại cùng với hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của tổ chức, cá nhân đó.
4.2.2. Đối với các hồ sơ, báo cáo về hóa đơn phát hiện thấy có sai sót chưa đúng, không chính xác công chức kiểm tra hóa đơn lập danh sách báo cáo lãnh đạo bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế ban hành thông báo yêu cầu Người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu (Mẫu 01/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/1/2013 của Bộ Tài chính). Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện, cơ quan thuế có văn bản yêu cầu tổ chức, hộ, cá nhân báo cáo giải trình.
Thời hạn tổ chức, cá nhân phải giải trình, bổ sung thông tin tài liệu được ghi trong thông báo không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày Thủ trưởng Cơ quan Thuế ký thông báo.
Xử lý giải trình, bổ sung hồ sơ:
- Trường hợp tổ chức, cá nhân đã giải trình hoặc bổ sung thông tin tài liệu đảm bảo đầy đủ, đúng quy định thì tài liệu bổ sung hoặc biên bản làm việc (nếu làm việc trực tiếp) được lưu lại cùng với hồ sơ, báo cáo về hóa đơn của tổ chức, cá nhân đó.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân giải trình hoặc bổ sung thông tin tài liệu không đầy đủ, không đúng quy định hoặc hết thời hạn quy định mà không giải trình thì công chức kiểm tra hóa đơn báo cáo lãnh đạo bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế ra quyết định kiểm tra tại trụ sở của tổ chức, cá nhân về tình hình tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn.
4.2.3. Trường hợp tổ chức, cá nhân trực tiếp đến Cơ quan Thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin tài liệu theo thông báo của Cơ quan Thuế, công chức kiểm tra hóa đơn phải lập biên bản làm việc (Mẫu 02/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/1/2013 của Bộ Tài chính).
4.3. Thủ tục hành chính khi công chức kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế ra thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, bổ sung hồ sơ như sau:
- Tờ trình lãnh đạo Cơ quan Thuế;
- Dự thảo thông báo;
- Bản nhận xét kết quả kiểm tra sơ bộ;
- Hồ sơ, báo cáo về hóa đơn và các tài liệu có liên quan.
4.4. Đối với những hồ sơ có dấu hiệu tạo và in hóa đơn giả, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì lập đầy đủ các thủ tục báo cáo lãnh đạo bộ phận chủ trì kiểm tra hóa đơn trình Thủ trưởng Cơ quan Thuế chuyển cho thanh tra Cục Thuế tiến hành công tác thanh tra chấp hành pháp luật thuế (kết hợp với nội dung thanh tra hóa đơn) tại trụ sở Người nộp thuế.
Trên đây là nội dung quy định về quy trình kiểm tra hóa đơn tại trụ sở Cơ quan thuế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1403/QĐ-TCT năm 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật