Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới nhất
Theo quy định tại Tiểu mục 1 Mục III Phần A Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao do Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2018 thì “Thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” được đơn giản hóa như sau:
- Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ gồm: Bản sao Hộ chiếu Việt Nam, Giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác quy định tại Điều 11 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Thay vào đó, người nộp hồ sơ nộp bản sao giấy tờ có ảnh và có số định danh cá nhân;
- Về Mẫu Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam (Mẫu TP/QT-2010-ĐXTQT.1 quy định tại Thông tư số 08/2010/TT-BTP hướng dẫn mẫu giấy tờ về quốc tịch và mẫu sổ tiếp nhận các việc về quốc tịch): Không yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính, ngày tháng năm sinh (Mục 1); nơi sinh (Mục 2), (Mục 5): Thay trường thông tin về “hộ chiếu/giấy tờ hợp lệ thay thế” bằng “giấy tờ có số định danh cá nhân”.
Như vậy, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam sẽ còn lại những giấy tờ sau:
- Đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam; (theo mẫu TP/QT-2010-ĐXTQT.1 tại Thông tư 08/2010/TT-BTP)
(Không yêu cầu cung cấp thông tin về giới tính, ngày tháng năm sinh (Mục 1); nơi sinh (Mục 2), (Mục 5): Thay trường thông tin về “hộ chiếu/giấy tờ hợp lệ thay thế” bằng “giấy tờ có số định danh cá nhân”)
- Bản khai lý lịch;
- Bản sao giấy tờ có ảnh và có số định danh cá nhân
- Giấy tờ xác nhận về việc người đó đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này.
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới nhất. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật