Giám đốc thẩm là gì?
Hiện tại, tại nước ta có 3 thủ tục tố tụng khác nhau. Đó là:
- Thủ tục tố tụng hình sự.
- Thủ tục tố tụng dân sự.
- Thủ tục tố tụng hành chính.
Mỗi thủ tục tố tụng được quy định, thực hiện khác nhau. Theo đó, thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự, giám đốc thẩm vụ án dân sự, giám đốc thẩm vụ án hành chính đối với từng thủ tục tố tụng là khác nhau.
Theo đó:
- Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
+ Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
+ Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự được thực hiện theo quy định tại Chương XXV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
- Theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ sau:
+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự được thực hiện theo quy định tại Chương XX Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
- Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Tố tụng hành chính 2015 thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ sau:
+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
+ Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
+ Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng hành chính được thực hiện theo quy định tại Chương XV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật