Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ án hình sự
Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự nước ta hiện nay thì tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Vì tính chất quan trọng của "Thủ tục tái thẩm" trong quá trình tố tụng hình sự nước ta. Do đó, không phải ai cũng được quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ án hình sự mà chỉ có một số cá nhân cụ thể có quyền này.
Theo đó, theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì chỉ có những người sau đây mới có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm vụ án hình sự:
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật