Xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam của Viện kiểm sát
Xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam trong Công tác tạm thời thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố được quy định quy định tại Điều 17 Quyết định 03/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, văn bản đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Kiểm sát viên kiểm tra tài liệu, chứng cứ, đối chiếu với quy định tại các Điều 113, 119 và 173 Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định thẩm quyền, đối tượng, căn cứ, điều kiện tạm giam, thời hạn tạm giam đối với từng bị can; báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn và trả hồ sơ cho cơ quan đề nghị phê chuẩn ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
Trường hợp chưa rõ căn cứ thì ra văn bản yêu cầu cơ quan đề nghị phê chuẩn bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ căn cứ xem xét, quyết định việc phê chuẩn. Trong trường hợp này, thời hạn xét phê chuẩn là 03 ngày, kể từ khi Viện kiểm sát nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung.
Kiểm sát viên phải đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát vào các tài liệu làm căn cứ xét phê chuẩn và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc phê chuẩn.
- Nếu thấy đủ căn cứ để tạm giam bị can theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự và cần thiết phải tạm giam bị can, nhưng Cơ quan điều tra không ra lệnh bắt bị can để tạm giam, thì Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh bắt bị can để tạm giam; nếu Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra lệnh bắt bị can để tạm giam và chuyển cho Cơ quan điều tra để thực hiện.
- Sau khi phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam bị can, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc thi hành lệnh và thời hạn tạm giam bị can để kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện giải quyết như sau:
+ Trường hợp còn thời hạn tạm giam nhưng xét thấy biện pháp tạm giam đối với bị can không còn cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra ra văn bản đề nghị Viện kiểm sát quyết định việc hủy bỏ biện pháp tạm giam hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác trong giai đoạn điều tra hoặc Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác trong giai đoạn truy tố;
+ Trước khi hết thời hạn tạm giam 10 ngày, nếu Cơ quan điều tra chưa có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam bị can thì Kiểm sát viên yêu cầu điều tra viên báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra ra văn bản đề nghị gia hạn hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam.
Chậm nhất 05 ngày, trước khi hết thời hạn tạm giam, Kiểm sát viên phải báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định gia hạn tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam.
- Viện kiểm sát phải nắm chắc số liệu tạm giam; theo dõi, quản lý chặt chẽ các trường hợp không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, không phê chuẩn lệnh tạm giam, không gia hạn tạm giam, quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp tạm giam, các trường hợp tạm giam nhưng đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc Tòa án tuyên không phạm tội để báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện. Hằng tháng, Viện kiểm sát cấp dưới tổng hợp báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp bằng văn bản.
Ban biên tập xin phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật