Không đi xuất khẩu lao động nữa có lấy lại tiền được không?

Tôi đã thi đậu đơn hàng đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Tôi đã đóng cho công ty môi giới lao động 2500 USD. Hiện tại thì công ty vẫn chưa có lịch khi nào đi Hàn của tôi. Nhưng bây giờ tôi không muốn đi nữa vì có việc gia đình. Tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vậy tôi có thể rút lại tiền được không và cần những thủ tục gì? Nếu công ty không đồng ý trả lại tiền cho tôi thì tôi cần làm gì? Trần Văn Vinh (0126***)

Theo quy định tại Điểm c Tiểu mục 1 Mục 5 Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH thì:

Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Như vậy, khi Anh/Chị không còn ý định muốn đi xuất khẩu lao động, Anh/Chị có thể yêu cầu rút hồ sơ và các giấy tờ đã giao cho công ty cũng như khoản tiền mà Anh/Chị đã nộp cho công ty sau khi trừ đi các khoản chi phí mà công ty đã chi trả như chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Ngoài ra, theo quy định tại Điểm c Tiểu mục 2 Mục 5 Thông tư 21 thì:

Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).

Theo quy định trên thì công ty chỉ được thu tiền môi giới của Anh/Chị sau khi ký hợp đồng lao động.

Đồng thời, Điều 20 Bộ Luật lao động 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Việc công ty môi giới yêu cầu Anh/Chị bảo đảm thực hiện hợp đồng lao động bằng khoản tiền 2.500 USD là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của Anh/Chị.

Nếu công ty môi giới không trả lại giấy tờ và tiền cho Anh/Chị thì Anh/Chị có quyền làm đơn khiếu nại gửi đến người đứng đầu tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nếu người đứng đầu tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc là quá hạn mà vẫn không được giải quyết thì Anh/Chị khiếu nại đến Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Hoặc Anh/Chị có thể kiện ra Tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Lao động nữ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào