Việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc được hiểu như thế nào?
Tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 về áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự do Tòa án nhân dân tối cao ban hành có quy định như sau:
“Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).
Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự."
Như vậy, theo quy định này thì có thể thấy, việc nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo,.... sẽ không bị truy tố về việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc vì việc ghi lô đề bằng cách ghi như vậy không tạo nên những chiếu bạc ăn thua tiền hoặc hiện vật trực tuyến.
Trên đây là nội dung trả lời về cách hiểu của việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc. Để biết thêm thông tin về vấn đề này, bạn có thể tham khảo thêm tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật