Xử lý đơn trong hoạt động tiếp công dân của Viện kiểm sát

Chào Ban biên tập, tôi là Lê Tùng Anh, vừa trúng tuyển kỳ thi công chức của Viện Kiểm sát Tối cao, tìm hiểu quy định của pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát, có thắc mắc tôi mong muốn nhận phản hồi từ Ban biên tập, cụ thể: Xử lý đơn trong hoạt động tiếp công dân của Viện kiểm sát được quy định như thế nào?

Xử lý đơn trong hoạt động tiếp công dân của Viện kiểm sát quy định tại Điều 10 Quyết định 51/QĐ-VKSTC-V12 năm 2016 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:

1. Đơn được phân loại như sau:

a. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết.

b. Đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết.

c. Đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết.

d. Đơn chưa đủ hoặc không đủ điều kiện thụ lý.

2. Xử lý đơn khiếu nại

a. Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì thụ lý để giải quyết hoặc thực hiện thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

b. Đối với đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì trả lại đơn và tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn hoặc cá nhân, cơ quan đã chuyển đến, đồng thời hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát khác, thì chuyển đơn cùng tài liệu gửi kèm (nếu có) cho Viện kiểm sát có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.

3. Xử lý đơn tố cáo

a. Đối với đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì thực hiện theo điểm a khoản 1 Điều 20 Luật tố cáo; đối với đơn tố cáo thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì thụ lý và thực hiện thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

b. Đối với đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì phải chuyển ngay đơn và các tài liệu gửi kèm theo (nếu có) cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết, nếu có yêu cầu; trường hợp đơn đã chuyển là tố cáo trong hoạt động tư pháp, thì ngoài việc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phải thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết biết.

4. Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo có nhiều nội dung hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan

a. Đối với đơn có nhiều nội dung, trong đó có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì thụ lý nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, đồng thời có văn bản hướng dẫn người gửi đơn viết lại đơn khác theo nội dung còn lại gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

b. Trường hợp đơn có nhiều nội dung nhưng đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, mà từng nội dung này lại do các đơn vị khác nhau xem xét, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đề xuất bằng văn bản với Viện trưởng để phân công đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết đơn, trả lời người gửi đơn.

5. Xử lý đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu

a. Đối với đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, thì xử lý theo quy định tại các Chương về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b. Đối với đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, thì xử lý theo quy định tại Điều 14 Quy chế này.

c. Đối với đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đến các đơn vị có trách nhiệm hoặc người có thẩm quyền để xem xét; trường hợp đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.

d. Đối với đơn liên quan đến việc yêu cầu bồi thường oan, sai theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đến đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự để xem xét.

6. Xử lý đơn chưa đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện thụ lý

a. Đối với đơn chưa đủ điều kiện để thụ lý, thì phải có văn bản hướng dẫn người gửi đơn bổ sung các nội dung, tài liệu cần thiết theo quy định.

b. Đối với đơn không đủ điều kiện thụ lý, thì trả lại đơn và có văn bản thông báo rõ lý do cho người gửi đơn; việc thông báo này chỉ thực hiện một lần cho một việc.

c. Không xem xét đối với đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp hoặc những đơn tố cáo đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận mà tố cáo tiếp nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.

Ban biên tập Ngân hành Pháp luật xin phản hồi thông tin đến bạn. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Viện kiểm sát nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào