Phù phổi cấp trong chuyển dạ

Tôi đang theo học lớp y tá tại một trường trung cấp chuyên nghiệp tại Vĩnh Long. Trong quá trình học tập, tôi có thắc mắc muốn hỏi Ban biên tập, tôi được biết là Bộ Y tế có ban hành một chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhưng tôi quan tâm đến vấn đề "Phù phổi cấp trong chuyển dạ", Ban biên tập có thể cung cấp giúp tôi thông tin về vấn đề này được không? Chân thành cảm ơn rất nhiều. Ngọc Phương (ngoc.phuong****@gmail.com)

Phù phổi cấp trong chuyển dạ được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

1. Đại cương

Phù phổi cấp trong chuyển dạ là một cấp cứu trong sản khoa, thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim, tăng huyết áp, tiền sản giật/sản giật hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai. Cũng có khi do truyền dịch quá nhiều với tốc độ nhanh.

2. Biểu hiện lâm sàng

- Phù phổi cấp có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau đẻ

- Khó thở đột ngột, nhịp thở nhanh, ho nhiều, môi và đầu chi tím, tinh thần hốt hoảng, tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay.

- Ran ẩm nhỏ hạt ở đáy phổi dâng lên nhanh, gõ đục đáy phổi

- Từ ho khan chuyển sang khạc ra đờm bọt hồng ngày càng nhiều.

- Nhịp tim nhanh > 100 lần/ phút, kèm theo các tiếng tim bệnh lý. Đôi khi có tiếng ngựa phi.

- Huyết áp tăng cao hoặc kẹt.

- Áp lực tĩnh mạch trung ương (CVP) cao, tĩnh mạch cổ nổi.

- Xquang: phổi mờ

- Cần phân biệt với: cơn hen phế quản (phổi nhiều ran rít và ran ngáy, gõ vang, lồng ngực căng) và cơn hen tim (có khó thở thì thở ra, ran rít).

3. Xử trí.

3.1. Xử trí ban đầu

- Trước một trường hợp phù phổi cấp, xử trí tích cực ban đầu là rất quan trọng nhằm cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

- Kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, cùng cấp cứu người bệnh.

- Kiểm tra và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở, nghe tim phổi.

- Đảm bảo thông thoáng đường thở bằng cách cho nằm đầu cao.

- Hút đờm rãi làm thông đường hô hấp, cho thở oxy.

- Lập đường truyền tĩnh mạch.

- Tư vấn cho gia đình biết tình trạng nặng của bệnh, nguy cơ cho mẹ và cho con.

- Tuyến xã phải tiêm dưới da 10mg morphin và chuyển lên tuyến huyện ngay, có nhân viên y tế đi kèm, cho người bệnh thở oxy (nếu có), tư thế đầu cao khi chuyển.

3.2. Xử trí theo nguyên nhân.

Tuyến xã

- Gọi tuyến trên để được giúp đỡ, huy động tất cả nhân viên sẵn có tập trung cấp cứu người bệnh.

- Thực hiện xử trí ban đầu như trên.

- Tư vấn cho gia đình và chuyển tuyến trên, có nhân viên y tế đi kèm.

Tuyến huyện trở lên

Phù phổi cấp huyết động.

- Cho thai phụ ngồi thẳng, chân thõng.

- Garo ba chi luân chuyển.

- Đặt nội khí quản hút đờm rãi, thở oxy 60% với dung lượng 8-12 lít/phút.

- Tiêm tĩnh mạch:

+ Thuốc lợi tiểu (thuốc được lựa chọn thường là lasix 20mg x 4 ống). Khi cần thiết có thể tăng liều, tùy thuộc vào lượng nước tiểu và tình trạng khó thở của người bệnh.

+ Trợ tim: như cedilanit 0,4mg x 1-2 ống.

+ Tiêm dưới da 10mg morphin.

+ Nếu cần thì phải trích máu tĩnh mạch. Khuyến cáo nên trích 300ml máu.

- Xử trí sản khoa:

+ Phẫu thuật lấy thai khi tình trạng bệnh nhân cho phép hoặc forceps nếu đủ điều kiện

Phù phổi cấp do tổn thương.

- Đặt nội khí quản thở máy, hô hấp hỗ trợ, thở oxy

- Dopamin truyền tĩnh mạch.

- Truyền huyết tương.

- Kháng sinh liều cao.

- Methyl prednisolon: 30mg tiêm tĩnh mạch, cách 4 giờ/lần

- Phẫu thuật lấy thai khi tình trạng bệnh nhân cho phép hoặc forceps nếu đủ điều kiện.

3.3. Đánh giá lại.

- Sau khi đã điều trị tích cực trong khoảng 30 phút cần đánh giá lại xem người bệnh có đáp ứng với điều trị không:

- Tình trạng khó thở của bệnh nhân có cải thiện không.

- Nếu tình trạng người bệnh cải thiện thì tiếp tục điều trị duy trì, đồng thời điều trị nguyên nhân.

- Nếu tình trạng người bệnh không cải thiện thì phải tiếp tục điều trị tích cực, hội chẩn liên chuyên khoa và mời tuyến trên hỗ trợ hoặc chuyển tuyến.

Trên đây là nội dung quy định về phù phổi cấp trong chuyển dạ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào