Các trường đình chỉ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
Pháp luật hiện nay quy định việc mở phiên họp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải được thực hiện trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Theo đó, Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp trong các trường hợp được quy định tại Điều 59 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau:
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
- Nguyên đơn hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;
- Nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc được coi là đã rút đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Trọng tài thương mại 2010, trừ trường hợp bị đơn yêu cầu tiếp tục giải quyết tranh chấp;
- Các bên thoả thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp;
- Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định tại khoản 6 Điều 44 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
Khi có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, các bên không có quyền khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết lại vụ tranh chấp đó nếu việc khởi kiện vụ tranh chấp sau không có gì khác với vụ tranh chấp trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 44 của Luật Trọng tài thương mại 2010.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật