Chỉ tiêu thống kê số phiếu lý lịch tư pháp đã cấp

Tôi là cán bộ của Sở Tư pháp, công việc của tôi liên quan đến việc thống kê những vấn đề liên quan đến ngành tư pháp. Trong quá trình làm việc thì có vấn đề phát sinh nên tôi có câu hỏi mong Quý chuyên gia có thể tư vấn giúp tôi. Chỉ tiêu thống kê số phiếu lý lịch tư pháp đã cấp được quy định như thế nào? Có văn bản nào hướng dẫn cụ thể vấn đề này không? Tôi xin cảm ơn rất nhiều. Ngọc Bảo (093***)

Chỉ tiêu thống kê số phiếu lý lịch tư pháp đã cấp được quy định tại Tiểu mục 1401 Mục 14 Phụ lục II Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 10/2017/TT-BTP như sau:

1. Khái niệm:

- Lý lịch tư pháp (LLTP) là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

- Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP bao gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Là Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (điểm a khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009). Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 1 được quy định tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Là Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình (điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009). Nội dung của phiếu lý lịch tư pháp số 2 được quy định tại Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp 2009.

- Công dân Việt Nam: Là người có quốc tịch Việt Nam (khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008).

- Người nước ngoài: Là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người không có quốc tịch.

- Tổ chức chính trị: Bao gồm các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung ương và địa phương.

- Tổ chức chính trị xã hội: Bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tại Trung ương và địa phương.

- Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 1, Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự).

- Có án tích: Là người đã bị tòa án kết án và chưa được xóa án tích.

- Không có án tích: Là người chưa từng bị kết án hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại phiếu (phiếu số 1, phiếu số 2);

- Đối tượng yêu cầu cấp (công dân Việt Nam; người nước ngoài, cơ quan tố tụng, tổ chức);

- Nội dung xác nhận (về án tích; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã);

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo thống kê ngành tư pháp; cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

5. Đơn vị (thuộc Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

Chủ trì: Cục Kế hoạch - Tài chính;

Phối hợp: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Trên đây là nội dung quy định về chỉ tiêu thống kê số phiếu lý lịch tư pháp đã cấp. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 10/2017/TT-BTP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phiếu lý lịch tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào