Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Thứ nhất, về các trường hợp được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối:
“Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.”
Thứ hai, về mức tiền tối đa được chuyển
Pháp luật hiện hành không quy định mức ngoại tệ tối đa mà bạn được chuyển trong trường hợp định cư, nhưng bạn có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số tiền mà bạn dự định chuyển ra nước ngoài.
Thứ ba, về thủ tục chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP:
“Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền.”
Bạn cần liên lạc với các tổ chức tín dụng được phép thực hiện dịch vụ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, cụ thể là các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục, giấy tờ cần thiết để thực hiện dịch vụ. Thông thường, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
– Bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép định cư kèm theo bản dịch có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc giấy tờ chứng minh Công dân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài;
– Bản sao hộ chiếu;
– Giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số tiền mà bạn dự định chuyển ra nước ngoài.
Thư Viện Pháp Luật