Toà án có được thụ lý giải quyết tranh chấp mà các bên đã có thoả thuận trọng tài hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Do đó, các tranh chấp mà có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực pháp luật thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc Trọng tại.
Mặt khác, Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định:
"Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được."
==> Căn cứ các phân tích cũng như quy định được trích dẫn trên đây thì Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết đối với các tranh chấp mà các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài có hieeujk lực theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với các tranh chấp mà các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nhưng thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được, và một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án có quyền thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Theo đó, thoả thuận trọng tài bị xem là vô hiệu trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật.
- Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
- Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật