Đang điều trị thẻ BHYT hết hạn thì giải quyết như thế nào?

Ông nội tôi nhập viện hồi ngày 2/9/2018 nhưng tới ngày 10/9 thì thẻ BHYT của ông tôi hết hạn. Bác sĩ nói là ông nội phải nằm viện khoảng 1 tháng để bác sĩ theo dõi và điều trị. Vậy luật sư cho tôi hỏi trường hợp này ông nội tôi có được bảo hiểm chi trả hay không hay chỉ chi trả trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến ngày 10/9, phần còn lại chúng tôi sẽ tự chi trả? Thanh Hà (0907***)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 105/2014/NĐ-CP thì:

Trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng thì vẫn được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.

Và theo quy định tại Mục 3 Công văn 5276/BHXH-CSYT năm 2016 thì:

Về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT khi người bệnh đang điều trị nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng:

- Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được hưởng quyền lợi BHYT cho đến khi ra viện;

- Đối với các đối tượng tham gia BHYT đang trong đợt điều trị ngoại trú nhưng thẻ BHYT hết hạn thì được hưởng quyền lợi BHYT cho lần điều trị ngoại trú đó.

Theo thông tin Anh/Chị cung cấp, ông nội của Anh/Chị nhập viện ngày 02/9/2018, đến ngày 10/9/2018 thẻ BHYT hết hạn sử dụng mà ông nội của Anh/Chị phải điều trị kéo dài. Vậy theo quy định trên, ông nội của Anh/Chị vẫn được hưởng quyền lợi thẻ BHYT cho đến khi ra viện, nghĩa là thời hạn sau khi thẻ BHYT hết hạn ông nội của Anh/Chị vẫn được bảo hiểm thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho tới khi ra viện Anh/Chị nhé.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẻ bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào