Khi nào công an được kiểm tra cư trú đột xuất?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành, kiểm tra cư trú được quy định cụ thể như sau:
1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
2. Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.
3. Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
4. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
5. Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.
=> Như vậy, Công an phường được giao quản lý cư trú tại địa bàn (còn gọi là công an khu vực) có quyền kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự. Điều này đồng nghĩa công an khu vực được quyền kiểm tra về vấn đề cư trú bất kỳ lúc nào.
** Vể việc bạn là chủ nhà nghỉ khẳng định không biết trong nhà nghỉ có xảy ra vụ đánh bạc, căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về hành vi đánh bạc trái phép như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Che giấu việc đánh bạc trái phép.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép...
Như vậy, Cơ quan công an sẽ căn cứ vào lời khai của đôi bên cũng như bên nghiệp vụ công an để có thể biết chắc chắn bạn có liên quan gì đến hành vi đánh bạc đó không. Nếu thật sự bạn không biết không liên quan gì thì bạn an tâm bạn không bị xử lý gì hết nhé.
Trên đây là nội dung tư vấn về Khi nào công an được kiểm tra cư trú đột xuất? Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Thông tư 35/2014/TT-BCA và văn bản liên quan.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật