Chỉ tiêu thống kê số vụ việc hòa giải ở cơ sở
Chỉ tiêu thống kê số vụ việc hòa giải ở cơ sở được quy định tại Tiểu mục 0403 Mục 04 Phụ lục II Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 10/2017/TT-BTP như sau:
1. Khái niệm và phương pháp tính
1.1. Khái niệm
- Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở.
- Hòa giải thành là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận.
- Hòa giải không thành là trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận.
- Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
+ Mâu thuẫn giữa các bên là mâu thuẫn do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác.
+ Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, như: tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.
+ Vụ việc khác thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở là các vụ việc do vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính và những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
1.2. Phương pháp tính
- Số vụ việc tiếp nhận hòa giải là số vụ việc mới tiếp nhận trong kỳ báo cáo và số vụ việc chưa giải quyết xong từ kỳ trước chuyển sang.
- Số vụ việc chưa giải quyết xong bao gồm số vụ việc đã tiếp nhận mà chưa giải quyết và số vụ việc đang giải quyết.
2. Phân tổ chủ yếu
- Tình trạng tiếp nhận (tiếp nhận trong kỳ, kỳ trước chuyển sang);
- Kết quả giải quyết (hòa giải thành, không thành, chưa giải quyết xong);
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê Ngành Tư pháp.
5. Đơn vị (thuộc Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
Chủ trì: Cục Kế hoạch - Tài chính;
Phối hợp: Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về chỉ tiêu thống kê số vụ việc hòa giải ở cơ sở. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 10/2017/TT-BTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật