Chỉ tiêu thống kê số đề nghị xây dựng văn bản QPPL, số dự thảo văn bản QPPL được thẩm định
Chỉ tiêu thống kê số đề nghị xây dựng văn bản QPPL, số dự thảo văn bản QPPL được thẩm định được quy định tại Tiểu mục 0102 Mục 01 Phụ lục II Nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Thông tư 10/2017/TT-BTP như sau:
1. Khái niệm, phương pháp tính
- Thẩm định đề nghị xây dựng văn bản QPPL là hoạt động của cơ quan tư pháp theo quy định của Luật ban hành văn hành văn bản QPPL năm 2015 (như Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) tiến hành việc xem xét, đánh giá về nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo thẩm quyền được giao trong Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi… của chính sách với hệ thống pháp luật. Đối với các chính sách trong đề xuất xây dựng các văn bản QPPL như luật, pháp lệnh (Bộ Tư pháp thẩm định) thì nội dung thẩm định còn bao gồm cả tính dự báo của nội dung chính sách, tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; dự kiến các giải pháp, điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính); việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới),...
- Dự thảo văn bản QPPL được thẩm định là những dự thảo văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ban hành theo thẩm quyền và được cơ quan tư pháp cùng cấp (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) hoặc tổ chức pháp chế bộ, ngành tiến hành thẩm định theo thẩm quyền trong phạm vi, trình tự, thủ tục luật định. Phạm vi thẩm định tập trung vào những nội dung như: Sự cần thiết; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; tính tương thích của nội dung dự thảo với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; điều kiện bảo đảm về nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản QPPL; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính (nếu trong dự thảo có quy định về thủ tục hành chính) việc lồng ghép bình đẳng giới (nếu trong dự thảo có vấn đề liên quan đến bình đẳng giới); ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản,v.v. Đối với những dự thảo văn bản QPPL được xây dựng dưới hình thức luật, pháp lệnh thì phạm vi thẩm định còn bao gồm sự phù hợp của nội dung dự thảo đối với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua.
(Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015).
2. Phân tổ chủ yếu
- Loại dự thảo văn bản QPPL;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Kỳ công bố: Năm.
4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê Ngành Tư pháp.
5. Đơn vị (thuộc Bộ Tư pháp) chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp
Chủ trì: Cục Kế hoạch - Tài chính;
Phối hợp: Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về chỉ tiêu thống kê số đề nghị xây dựng văn bản QPPL, số dự thảo văn bản QPPL được thẩm định. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 10/2017/TT-BTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật