Các trường hợp không được thực hiện biệt phái viên chức
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.
Thời hạn biệt phái viên chức không quá 03 năm. Trường hợp một số ngành, lĩnh vực đặc thù yêu cầu phải có thời hạn biệt phái dài hơn thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
Pháp luật hiện hành quy định việc biệt phái viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
- Theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;
- Để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.
Mặt khác, pháp luật cũng đồng thời quy định trong một số trường hợp cụ thể thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập không được thực hiện (hoặc quyết định) biệt phái viên chức.
Theo đó, Theo quy định tại Khoản 7 Điều 36 Luật Viên chức 2010 thì người người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập không được thực hiện (hoặc quyết định) biệt phái viên chức thuộc một trong các trường hợp sau:
- Viên chức nữ đang mang thai.
- Viên chức nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật