Kiểm soát thanh toán vốn thực hiện đầu tư
Kiểm soát thanh toán vốn thực hiện đầu tư được quy định tại Điều 7 Quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước do Kho bạc nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 5657/QĐ-KBNN năm 2016 như sau:
1. Hồ sơ làm căn cứ kiểm soát, thanh toán.
1.1. Hồ sơ pháp lý của dự án
Cán bộ kiểm soát chi tiếp nhận hồ sơ do Chủ đầu tư gửi đến KBNN và chỉ gửi một lần cho cả quá trình thực hiện dự án (trừ trường hợp có bổ sung, điều chỉnh):
a) Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có) kèm theo dự án đầu tư xây dựng công trình, hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
b) Văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;
c) Hợp đồng giữa Chủ đầu tư và nhà thầu hoặc nhà cung cấp và các tài liệu kèm theo hợp đồng như: phụ lục hợp đồng, điều kiện riêng, điều kiện chung liên quan đến việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng, hợp đồng bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Ngoài ra:
- Đối với hợp đồng thi công xây dựng có điều khoản quy định GPMB thì Chủ đầu tư phải gửi kèm kế hoạch tiến độ GPMB theo quy định của hợp đồng (do Chủ đầu tư phối hợp với tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, bồi thường GPMB bằng lập, có chữ ký, đóng dấu của Chủ đầu tư).
- Đối với hợp đồng liên danh các nhà thầu, nếu các điều khoản quy định của hợp đồng chưa phân chia rõ khối lượng, giá trị thực hiện giữa các nhà thầu cũng như tài khoản của nhà thầu thì Chủ đầu tư phải gửi đến KBNN thỏa thuận liên danh hoặc phụ lục hợp đồng có nêu rõ các nội dung trên.
- Đối với hợp đồng có quy định thời hạn có hiệu lực của hợp đồng được tính từ khi nhà thầu có bảo lãnh thực hiện hợp đồng, KBNN yêu cầu Chủ đầu tư gửi Bảo lãnh thực hiện hợp đồng (bản sao, có đóng dấu xác nhận sao y bản chính của Chủ đầu tư).
d) Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật); Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải gửi kèm theo phương án, dự toán bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Trường hợp Chủ đầu tư ký hợp đồng uỷ thác quản lý dự án cho Ban QLDA chuyên ngành, khu vực thực hiện quản lý dự án thì hồ sơ bổ sung thêm: Hợp đồng ủy thác quản lý dự án được ký giữa Chủ đầu tư xây dựng công trình và Ban QLDA chuyên ngành, khu vực.
f) Đối với trường hợp dự án, công trình được cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện, cán bộ kiểm soát chi tiếp nhận hồ sơ, gồm:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật) và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);
- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình. Đối với trường hợp dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, Chủ đầu tư chỉ gửi dự toán và quyết định phê duyệt khi có điều chỉnh dự toán;
- Văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện dự án (trường hợp chưa ghi rõ trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền);
- Văn bản của Lãnh đạo đơn vị giao cho đơn vị cấp dưới trực tiếp thực hiện hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ.
1.2 Hồ sơ bổ sung hàng năm:
a) Đối với các dự án do Trung ương quản lý: Văn bản giao Kế hoạch vốn đầu tư năm của Bộ, ngành Trung ương.
b) Đối với các dự án do địa phương quản lý: Văn bản giao Kế hoạch vốn đầu tư năm của UBND tỉnh, huyện.
Việc nhập kế hoạch vốn đầu tư trên TABMIS được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế (nếu có).
Riêng đối với phần vốn ngoài nước trong các dự án ODA thuộc kế hoạch 2016 không được nhập trên TABMIS thì KBNN nơi giao dịch thực hiện kiểm soát, xác nhận trong phạm vi kế hoạch vốn ngoài nước 2016 được cấp có thẩm quyền giao, phù hợp với kế hoạch vốn được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho các Bộ, địa phương để Chủ đầu tư làm thủ tục giải ngân vốn ngoài nước theo các hình thức rút vốn theo quy định.
1.3. Kiểm tra hồ sơ dự án:
Việc kiểm tra hồ sơ dự án được thực hiện tương tự theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6, Chương II quy trình này.
Ngoài ra đối với các dự án do Bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý cần kiểm tra, nắm vững các thông tin ghi trên văn bản giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện văn bản giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền chưa rõ ràng, hoặc còn thiếu thông tin (như tên dự án không phù hợp với quyết định đầu tư dự án, không đúng danh mục dự án được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc Bộ Tài chính thông báo, thiếu nơi mở tài khoản của dự án) niên độ kế hoạch vốn (vốn cấp, vốn ứng, kéo dài, thu hồi vốn ứng trước, ..), nguồn vốn được giao kế hoạch (vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn CK, vốn từ nguồn thu để lại,...), KBNN nơi giao dịch được phép từ chối, không nhận hồ sơ và có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp Chủ đầu tư ký hợp đồng ủy thác quản lý dự án với Ban QLDA chuyên ngành, hoặc Ban QLDA khu vực theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng số 59/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Chính Phủ cần kiểm tra, nắm vững các quy định của hợp đồng ủy thác để thực hiện kiểm soát thanh toán vốn cho dự án theo đúng nội dung quy định của hợp đồng và các nội dung quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư XDCB.
2. Tạm ứng vốn:
a) Đối tượng tạm ứng, mức vốn tạm ứng, thu hồi tạm ứng:
Đối tượng tạm ứng, mức vốn tạm ứng, thu hồi tạm ứng và thời điểm thu hồi tạm ứng được thực hiện theo quy định tại các Khoản 3, 5, Điều 8, Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (nếu có).
b) Hồ sơ tạm ứng:
Ngoài hồ sơ của dự án theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Chương II của quy trình này, cán bộ kiểm soát chi còn tiếp nhận những hồ sơ đề nghị tạm ứng vốn sau:
- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;
- Giấy rút vốn đầu tư;
- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu, gửi bản sao có đóng dấu xác nhận sao y bản chính của Chủ đầu tư (trừ những trường hợp không yêu cầu bảo lãnh tạm ứng theo quy định,).
Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng đối với các hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi Chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. Trường hợp bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đã hết hạn mà vẫn chưa thu hồi hết vốn đầu tư đã tạm ứng, KBNN có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu gia hạn thời gian bảo lãnh tạm ứng đảm bảo thu hồi hết số vốn đã tạm ứng. Nếu Chủ đầu tư không gia hạn bảo lãnh tạm ứng mà vẫn đề nghị tạm ứng tiếp cho hợp đồng đó (trường hợp chưa tạm ứng đủ theo quy định của hợp đồng) thì KBNN được phép tạm dừng, không tiếp tục tạm ứng cho hợp đồng. Trường hợp đã tạm ứng đủ thì không tiếp tục tạm ứng cho hợp đồng khi có yêu cầu, KBNN có văn bản đôn đốc lần thứ hai sau 01 tháng kể từ khi ban hành văn bản lần một đồng thời theo dõi có biện pháp báo cáo cấp có thẩm quyền để thu hồi tạm ứng đúng quy định.
3. Hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành
Ngoài tài liệu của dự án theo quy định tại Khoản 1, Điều 7, Chương II của quy trình này, cán bộ kiểm soát chi tiếp nhận các hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng hoàn thành sau:
a) Trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện theo hợp đồng.
- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán có ký xác nhận, đóng dấu của đại diện Chủ đầu tư và đại diện nhà thầu (Phụ lục số 03a ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính).
- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;
- Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn đầu tư (nếu có);
- Giấy rút vốn đầu tư.
Khi có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, ngoài các hồ sơ nói trên, cán bộ kiểm soát chi tiếp nhận thêm các hồ sơ: (1) Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán phát sinh, phụ lục bổ sung hợp đồng; (2) Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng đề nghị thanh toán có ký xác nhận, đóng dấu của đại diện Chủ đầu tư và đại diện nhà thầu (Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính).
Trường hợp khối lượng phát sinh được hình thành gói thầu mới (đối với hợp đồng trọn gói), KBNN thực hiện kiểm soát thanh toán riêng cho gói thầu phát sinh như đối với trường hợp thanh toán theo hợp đồng.
b) Trường hợp thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện không theo hợp đồng:
- Đối với các công việc của dự án được thực hiện không thông qua hợp đồng xây dựng, việc thanh toán căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc, Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của Chủ đầu tư); Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán theo dự toán được duyệt, phù hợp với tính chất từng loại công việc và không phải gửi chứng từ chi, hóa đơn mua sắm đến KBNN.
- Hồ sơ thanh toán bao gồm:
+ Dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho từng công việc;
+ Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành, hoặc Bảng kê chứng từ thanh toán;
+ Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;
+ Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng vốn đầu tư (nếu có);
+ Giấy rút vốn đầu tư;
c) Hồ sơ thanh toán khối lượng XDCB hoàn thành đối với gói thầu thi công xây dựng, gói thầu mua sắm thiết bị của dự án theo hình thức tự thực hiện:
Hồ sơ thanh toán do Chủ đầu tư gửi đến KBNN như đối với thanh toán khối lượng hoàn thành theo hợp đồng xây dựng (quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 7 của quy trình này).
4. Nội dung kiểm soát, trình tự các bước công việc và thời gian kiểm soát vốn thực hiện đầu tư được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 6, Chương II của quy trình này. Ngoài ra, cần kiểm tra một số nội dung sau:
a) Đối với các dự án đầu tư thuộc đối tượng khấu trừ 2% thuế GTGT:
Cán bộ kiểm soát chi thực hiện kiểm soát, xác định số thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải khấu trừ (bằng 2% trên giá trị khối lượng XDCB hoàn thành được KBNN chấp nhận thanh toán) và ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (phần ghi của KBNN), làm cơ sở cho việc thu nộp NSNN. Trường hợp nhà thầu đã nộp đầy đủ tiền thuế vào NSNN (có bản sao chứng từ đã nộp thuế, hoặc có xác nhận của cơ quan thuế và Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác cũng như những chứng từ nộp cho cơ quan KBNN), cán bộ kiểm soát chi không thực hiện khấu trừ 2% thuế GTGT, mà thực hiện thanh toán đầy đủ giá trị khối lượng XDCB hoàn thành cho nhà thầu theo đề nghị của Chủ đầu tư.
b) Đối với các hợp đồng thi công xây dựng có quy định bảo hành công trình:
Cán bộ kiểm soát chi thực hiện kiểm soát, chấp nhận trên giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, và chuyển tiền bảo hành công trình vào TKTG của Chủ đầu tư (mở tại ngân hàng, hoặc mở tại KBNN theo quy định của hợp đồng hoặc theo đề nghị của Chủ đầu tư). Trường hợp Chủ đầu tư không đề nghị giữ tiền bảo hành công trình mà thanh toán hết cho nhà thầu, cán bộ kiểm soát chi đề nghị Chủ đầu tư gửi bảo lãnh bảo hành công trình của ngân hàng, hoặc văn bản, chứng từ bảo đảm cho việc bảo hành công trình theo quy định tại Khoản 2, Điều 46, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/04/2015 của Chính phủ.
Trên đây là nội dung quy định về việc kiểm soát thanh toán vốn thực hiện đầu tư. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 5657/QĐ-KBNN năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật