Mức chi thù lao giảng viên đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong công an nhân dân
Mức chi thù lao giảng viên đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong công an nhân dân được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 53/2011/TT-BCA-V22 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành, theo đó:
Chi thù lao giảng viên (một buổi giảng được tính 5 tiết học):
Tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, Công an các đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên trong và ngoài Công an nhân dân (đã bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) theo quy định như sau:
a) Giảng viên, báo cáo viên là Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy và các chức danh tương đương: Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/buổi;
b) Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Phó bí thư tỉnh ủy và các chức danh tương đương; Tổng cục trưởng, giảng viên, báo cáo viên có cấp bậc hàm cấp tướng; Giáo sư, Chuyên gia cao cấp, Tiến sĩ khoa học: Mức tối đa không quá 800.000 đồng/buổi;
c) Giảng viên, báo cáo viên là Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh; Phó Tổng cục trưởng; lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương; Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên chính; sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá, thượng tá: Mức tối đa không quá 600.000 đồng/buổi;
d) Giảng viên, báo cáo viên còn lại là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan công tác tại các cơ quan, đơn vị ở trung ương và cấp tỉnh (ngoài 3 đối tượng nêu trên): Mức tối đa không quá 500.000 đồng/buổi.
đ) Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan công tác tại các đơn vị từ cấp huyện và tương đương trở xuống (đối với lớp bồi dưỡng do Công an cấp huyện trở xuống mở): Mức tối đa không quá 300.000 đồng/buổi;
Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn sâu; lớp đào tạo, bồi dưỡng theo phương pháp giảng dạy mới chưa có sẵn giáo án để giảng dạy, thì ngoài mức thù lao giảng viên theo quy định nêu trên, căn cứ yêu cầu chất lượng từng lớp đào tạo, bồi dưỡng, Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương được giao chủ trì tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng có thể quyết định trả tiền biên soạn giáo án bài giảng riêng theo hình thức hợp đồng công việc khoán gọn, nhưng phải đảm bảo trong phạm vi dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
e) Riêng đối với các giảng viên là giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy trong các học viện, trường trong Công an nhân dân, thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên các học viện, trường Công an nhân dân, không trả thù lao giảng viên theo mức quy định nêu trên khi tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ cho học viện, trường tổ chức. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc Công an các đơn vị, địa phương khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định nêu trên.
g) Đối với giảng viên nước ngoài: tùy theo mức độ cần thiết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở thỏa thuận tùy theo chất lượng giảng viên và bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị được giao.
Trên đây là tư vấn về mức chi thù lao giảng viên đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong công an nhân dân. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 53/2011/TT-BCA-V22. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật