Thẩm quyền quyết định mức khoán khi sử dụng nhà ở công vụ trong ngành kiểm sát được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2018 quy định về việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, thẩm quyền quyết định mức khoán được quy định như sau:
Mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở giá thuê nhà ở phổ biến tại thị trường địa phương nơi đối tượng nhận khoán đến công tác phù hợp với loại nhà ở và diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức áp dụng đối với đối tượng nhận khoán.
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định mức khoán cụ thể áp dụng cho đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 32 của Luật Nhà ở được điều động, luân chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ chức vụ từ cấp Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,3 trở lên;
b) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Thủ trưởng đơn vị dự toán trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định mức khoán cụ thể đối với từng đối tượng được điều động, luân chuyển đến công tác tại đơn vị mình giữ chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên và cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển đến đơn vị thuộc phạm vi quản lý đóng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Mức khoán cụ thể áp dụng đối với từng đối tượng khoán thuộc phạm vi quản lý được xác định trên cơ sở kết quả khảo sát giá, báo giá hoặc thẩm định giá, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Trên đây là nội dung tư vấn về Thẩm quyền quyết định mức khoán trong ngành Kiểm sát. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Quyết định 94/QĐ-VKSTC năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật