Quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được quy định ra sao?
Quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được quy định tại Điều 24 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được ban hành kèm theo Nghị định 105/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ với nội dung như sau:
Bộ Công Thương là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên TKV, có các quyền, trách nhiệm sau đây:
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định: Thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu, yêu cầu phá sản TKV; mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của TKV.
- Trình Chính phủ ban hành Điều lệ, sửa đổi bổ sung Điều lệ của TKV.
- Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con do TKV nắm giữ 100% vốn điều lệ; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác của TKV; chủ trương đầu tư ra nước ngoài.
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của TKV. Thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm của TKV.
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV. Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và các quyền lợi khác đối với Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên ngành tại TKV; trả lương cho Kiểm soát viên chuyên ngành tại TKV. Phê duyệt để Hội đồng thành viên TKV quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, mức lương đối với Tổng giám đốc TKV.
- Quyết định xếp lương, nâng lương và phụ cấp đối với Chủ tịch và Thành viên Hội đồng thành viên; phê duyệt quỹ lương, thù lao của Người quản lý TKV sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công theo phân cấp tại Luật đầu tư công.
- Ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế tài chính của TKV phù hợp với quy định của pháp luật sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.
- Phê duyệt chủ trương góp vốn, nắm giữ, đầu tư tăng vốn, giảm vốn, chuyển nhượng vốn đầu tư của TKV tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con của TKV. Quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư của TKV tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn trong trường hợp giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thành viên TKV.
- Phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư ra ngoài TKV đối với từng dự án có mức huy động hoặc có giá trị tương đương dự án nhóm A theo phân loại của Luật đầu tư công trở lên hoặc lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của TKV được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của TKV tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn hoặc thời điểm quyết định dự án; phê duyệt phương án huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định đối với từng dự án có giá trị tương đương dự án nhóm A theo phân loại của Luật đầu tư công trở lên hoặc lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu của TKV được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của TKV tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án.
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới Tập đoàn các công ty TKV.
- Phê duyệt để Hội đồng thành viên quyết định báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của TKV. Có ý kiến về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền đối với hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại TKV. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của TKV. Đánh giá đối với Chủ tịch và Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên ngành tại TKV trong việc quản lý, điều hành.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm báo cáo Chính phủ việc thực hiện Điều lệ này; kịp thời phát hiện và báo cáo Chính phủ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế phát triển doanh nghiệp và quản lý của Nhà nước đối với TKV.
- Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trên đây là nội dung trả lời về quyền, trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Để biết thêm thông tin về vấn đề này, bạn có thể tham khảo thêm tại Nghị định 105/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật