Thủ tục trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành
Pháp luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch. Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản;
- Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Pháp luật hiện hành đồng thời quy định tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà vì một lý do nào nó mà không sử dụng hoặc không tiếp tục sử dụng Giấy phép nữa thì được trả lại theo quy định pháp luật.
Theo đó, thủ tục trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Khoáng sản 2010, cụ thể như sau:
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hồ sơ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 của Luật Khoáng sản 2010. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản;
- Bản đồ hiện trạng khai thác mỏ tại thời điểm đề nghị trả lại;
- Báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản đến thời điểm trả lại;
- Đề án đóng cửa mỏ trong trường hợp trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản.
2. Thời hạn giải quyết hồ sơ trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản tối đa là 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan về các vấn đề liên quan đến việc trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản thì thời gian lấy ý kiến không tính vào thời hạn trên.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật