Thẩm quyền xem xét lại quyết định trong vụ án hành chính của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Xin chào, tôi tên Minh Hằng sinh sống và làm việc tại Thanh Chương, Nghệ An. Vừa qua, vì nhu cầu công việc cũng như muốn tìm hiểu để bảo đảm được lợi ích cho bản thân, tôi có tìm hiểu chút ít vấn đề, tuy nhiên vẫn chưa rõ lắm nhờ các bạn hỗ trợ giúp, cụ thể giai đoạn 2010-2013: Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong vụ án hành chính được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi. (0123***)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 240 Luật tố tụng hành chính 2010, Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được quy định như sau:

- Sau khi nghe Chánh án Toà án nhân dân tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ra quyết định hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy từng trường hợp mà quyết định như sau:

+ Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

+ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật;

+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật cạnh tranh;

+ Xác định trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp nêu tại các điểm b, c, d và đ khoản 3 Điều này, buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Toà án nhân dân tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;

+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.

- Đồng thời, Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.

Trên đây là nội dung tư vấn về Thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vụ án hành chính. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng tìm hiểu thêm tại Luật tố tụng hành chính 2010.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào