Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC gồm những gì?
Trước tiên, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC thì bạn xem xét có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở chưa, cụ thể:
1. Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
a) Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
b) Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
c) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
d) Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
đ) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
e) Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
g) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
h) Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
i) Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.
2. Các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này nhưng không phải là cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Khoản 1 Điều này phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở đó và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy.
3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều này phải được tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, khi đã đáp ứng được các điều kiện đó, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở.
- Danh sách cá nhân có chứng chỉ về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của doanh nghiệp, cơ sở; có kèm theo bản sao chứng chỉ và bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động của từng cá nhân.
- Bản sao văn bằng chứng nhận về trình độ chuyên môn của cá nhân.
- Văn bản chứng minh về điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh.
* Lưu ý:
+ Đơn đề nghị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC phải ghi rõ lĩnh vực hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC (tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm định, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật...) theo lĩnh vực kinh doanh đã được cấp phép trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở.
+ Danh sách cá nhân có chứng chỉ về PCCC phải được đóng dấu của doanh nghiệp, cơ sở.
+ Cán bộ của cơ quan Cảnh sát PCCC sẽ liên hệ, thống nhất với doanh nghiệp, cơ sở về thời gian và nội dung kiểm tra thực tế.
- Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là nội dung tư vấn về Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC gồm những gì? Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng tìm hiểu thêm tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật