Hội đồng thẩm định chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm quốc gia
Hội đồng thẩm định chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm quốc gia được quy định tại Điều 12 Thông tư 29/2013/TT-BLĐTBXH quy định về xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, theo đó:
1. Hội đồng thẩm định chương trình cho từng nghề do Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề quyết định thành lập trên cơ sở đề xuất các thành viên tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và các trường có liên quan để thực hiện nhiệm vụ thẩm định chương trình cho từng nghề, từng cấp trình độ đào tạo.
2. Số lượng, cơ cấu của hội đồng thẩm định chương trình
a) Hội đồng thẩm định chương trình có từ 7 hoặc 9 thành viên tùy theo từng nghề, gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các ủy viên.
b) Hội đồng thẩm định chương trình, gồm: giáo viên, giảng viên, các chuyên gia, cán bộ quản lý có kinh nghiệm của nghề.
3. Tiêu chuẩn thành viên hội đồng thẩm định chương trình
a) Có trình độ đại học trở lên.
b) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động trong lĩnh vực của nghề.
c) Có uy tín trong giảng dạy của nghề, quản lý dạy nghề.
4. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng thẩm định chương trình
a) Hội đồng thẩm định chương trình là tổ chức tư vấn về chuyên môn giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trong việc thẩm định chương trình và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về chất lượng chương trình.
b) Nhận xét, đánh giá chương trình.
c) Tổ chức họp thẩm định chương trình.
d) Báo cáo kết quả thẩm định gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề xem xét, quyết định phê duyệt.
đ) Hồ sơ kết quả thẩm định chương trình gồm: bản nhận xét, đánh giá và phiếu đánh giá của từng thành viên hội đồng thẩm định chương trình; biên bản các lần họp của hội đồng; báo cáo quá trình tổ chức và kết quả thẩm định; tờ trình đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phê duyệt kèm theo dự thảo chương trình đã hoàn thiện.
5. Nguyên tắc làm việc của hội đồng thẩm định chương trình
a) Hội đồng thẩm định làm việc dưới sự điều hành của chủ tịch hội đồng.
b) Phiên họp của hội đồng thẩm định chương trình đảm bảo có ít nhất 2/3 tổng số thành viên hội đồng thẩm định chương trình, trong đó phải có chủ tịch và thư ký.
c) Hội đồng thẩm định chương trình làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; từng thành viên của hội đồng thẩm định chương trình nhận xét, đánh giá về bản dự thảo chương trình; nghe ý kiến giải trình của ban chủ nhiệm; hội đồng thẩm định chương trình tổ chức bỏ phiếu đánh giá; chủ tịch hội đồng kết luận.
d) Biên bản cuộc họp của hội đồng thẩm định chương trình phải có chữ ký đầy đủ của các thành viên tham dự.
Trên đây là tư vấn về hội đồng thẩm định chương trình dạy nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho các nghề trọng điểm quốc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 29/2013/TT-BLĐTBXH. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật