Trình tự thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Vụ Pháp chế
Trình tự thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Vụ Pháp chế được quy định tại Điều 15 Thông tư 06/2015/TT-TTCP quy định về rà soát, hệ thống hóa, pháp điển, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, theo đó:
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo được ban hành hoặc kể từ ngày Vụ Pháp chế tiếp nhận văn bản kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổ chức tự kiểm tra văn bản.
2. Đối với văn bản khi kiểm tra phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật, người kiểm tra lập hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật. Hồ sơ gồm:
a) Cơ sở pháp lý để kiểm tra;
b) Phiếu kiểm tra văn bản theo mẫu số 01/BTP/KTrVB ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Thông tư số 20/2010/TT-BTP);
c) Văn bản được kiểm tra;
d) Báo cáo kết quả tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung Báo cáo kết quả tự kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là Nghị định số 40/2010/NĐ-CP);
đ) Các văn bản làm cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật;
e) Dự thảo văn bản xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật;
g) Dự thảo văn bản bổ sung, sửa đổi, thay thế (nếu có);
h) Các tài liệu khác có liên quan đến việc xử lý văn bản.
3. Trên cơ sở kết quả tự kiểm tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế ký báo cáo kết quả tự kiểm tra và đề xuất hình thức xử lý (đối với văn bản do Vụ Pháp chế chủ trì soạn thảo) hoặc gửi thông báo cho đơn vị chủ trì soạn thảo thuộc Thanh tra Chính phủ về nội dung trái pháp luật của văn bản để tiến hành tự kiểm tra, đề xuất hình thức xử lý.
4. Trong quá trình Vụ Pháp chế tiến hành tự kiểm tra văn bản, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu và giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung văn bản được kiểm tra theo yêu cầu của Vụ Pháp chế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.
Điều 16. Trình tự thực hiện tự kiểm tra của đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản thuộc Thanh tra Chính phủ
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản được ký ban hành hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của Vụ Pháp chế quy định tại Khoản 3 Điều 15 Thông tư này, Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo tổ chức thực hiện tự kiểm tra. Tùy theo yêu cầu của văn bản được kiểm tra, Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra quyết định mời cộng tác viên tham gia kiểm tra văn bản.
2. Người được phân công kiểm tra văn bản có trách nhiệm nghiên cứu, kiểm tra văn bản và quy trình xây dựng, ban hành văn bản để xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản được kiểm tra.
3. Đối với Thông tư liên tịch, phạm vi kiểm tra tập trung vào các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết, đơn vị tự kiểm tra phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã liên tịch xây dựng văn bản để kiểm tra toàn bộ nội dung và quy trình xây dựng, ban hành văn bản.
4. Khi phát hiện dấu hiệu trái pháp luật của văn bản, người được phân công kiểm tra văn bản có trách nhiệm lập hồ sơ về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Thông tư này trình Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra.
5. Khi nhận được hồ sơ kiểm tra, Thủ trưởng đơn vị tự kiểm tra xem xét, ký báo cáo kết quả tự kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức thảo luận trong đơn vị hoặc với các đơn vị có liên quan trước khi ký báo cáo kết quả tự kiểm tra.
6. Đơn vị tự kiểm tra báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ bằng văn bản, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ kết quả tự kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đến Vụ Pháp chế.
Trên đây là tư vấn về trình tự thực hiện tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Vụ Pháp chế. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 06/2015/TT-TTCP. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật