Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế của công ty chứng khoán
Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế của công ty chứng khoán quy định tại Điều 4 Thông tư 23/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán chứng quyền có bảo đảm đối với công ty chứng khoán là tổ chức phát hành do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Khi công ty chứng khoán ký quỹ tại Ngân hàng lưu ký để đảm bảo thanh toán cho việc chào bán chứng quyền, kế toán phải theo dõi chi tiết trên Tài khoản 112 - Tiền gửi ngân hàng và phải thuyết minh rõ số tiền ký quỹ để đảm bảo thanh toán.
2. Khi có giấy chứng nhận chào bán chứng quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kế toán phải theo dõi số chứng quyền được phép phát hành, ghi:
Nợ TK 018 - Chứng quyền.
3. Khi công ty chứng khoán thực hiện phân phối chứng quyền cho nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp:
a. Khi bán chứng quyền ra, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (chi tiết tài khoản phong tỏa tại ngân hàng)
Có TK 329 - Phải trả chứng quyền (chi tiết từng loại chứng quyền).
Đồng thời ghi:
Có TK 018 - Chứng quyền.
b. Khi có xác nhận kết quả phân phối của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, kế toán ghi giảm tài khoản tiền gửi ngân hàng phong tỏa và ghi tăng tài khoản tiền gửi ngân hàng thông thường.
c. Trường hợp Ủy ban chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán, kế toán ghi:
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền (chi tiết từng loại chứng quyền)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng.
Đồng thời thuyết minh số chứng quyền bị đình chỉ hoặc hủy bỏ.
4. Khi phát sinh chi phí ban đầu liên quan đến phát hành chứng quyền như xin cấp giấy chứng nhận chào bán, thực hiện phân phối chứng quyền trên thị trường sơ cấp, niêm yết, lưu ký chứng quyền, ghi:
Nợ TK 632 - Lỗ và chi phí giao dịch mua các tài sản tài chính (chi tiết phí chào bán chứng quyền)
Có các TK 111, 112.
5. Khi thực hiện giao dịch (mua/bán) chứng quyền để tạo lập thị trường trên sàn:
a. Trường hợp mua lại chứng quyền, ghi:
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền (Giá trị của chứng quyền đang ghi sổ)
Nợ TK 632- Lỗ và chi phí giao dịch mua các tài sản tài chính, hoạt động tự doanh - chi tiết tài khoản chứng quyền (chênh lệnh lỗ - nếu giá mua cao hơn giá đang ghi trên số)
Có TK 112 (giá mua vào)
Có TK 511- Thu nhập từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (chênh lệnh lãi - nếu giá mua lại thấp hơn giá đang ghi sổ).
Đồng thời ghi:
Nợ TK 018 - Chứng quyền.
b. Trường hợp bán chứng quyền, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 329 - Phải trả chứng quyền (chi tiết từng loại chứng quyền)
Đồng thời ghi:
Có TK 018 - Chứng quyền.
6. Kế toán cho hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging)
a. Trường hợp công ty chứng khoán đã có sẵn chứng khoán cơ sở đang hạch toán trên Tài khoản 121 - Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ, Tài khoản 124 - Tài sản tài chính sẵn sàng để bán AFS. Kế toán mở sổ chi tiết Tài khoản 121, 124 để phản ánh chứng khoán phòng ngừa rủi ro và khi hết thời gian phòng ngừa rủi ro, kế toán ghi ngược lại trên sổ chi tiết.
b. Trường hợp công ty chứng khoán mua chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro, ghi:
Nợ TK 121- Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (Chi tiết phòng ngừa rủi ro chứng quyền)
Có TK 321- Bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Cuối kỳ, kế toán đánh giá lại và ghi nhận việc đánh giá lại giá trị của chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro tương tự như đánh giá lại tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ FVTPL.
c. Trường hợp công ty chứng khoán phải bổ sung tiền ký quỹ do có chênh lệch giữa vị thế phòng ngừa rủi ro lý thuyết và vị thế phòng ngừa rủi ro thực tế thì kế toán theo dõi chi tiết tài khoản 112 và phải thuyết minh trên Báo cáo tài chính.
7. Cuối kỳ, thực hiện đánh giá lại chứng quyền theo giá trị hợp lý:
a. Trường hợp giá của chứng quyền đang lưu hành giảm xuống, ghi:
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền (Chênh lệnh giữa giá ghi sổ và giá thị trường tại thời điểm đánh giá)
Có TK 5111 - Thu nhập từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (Chi tiết chênh lệch giảm do đánh giá lại FVTPL - chứng quyền).
b. Trường hợp giá của chứng quyền đang lưu hành tăng, ghi:
Nợ TK 63213 - Chênh lệch giảm về đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (chi tiết chênh lệch tăng do đánh giá lại FVTPL - chứng quyền = chênh lệnh giữa giá thị trường tại thời điểm đánh giá và giá ghi số)
Có TK 329 - Phải trả chứng quyền (chi tiết phải trả chứng quyền).
8. Khi đáo hạn chứng quyền:
a. Trường hợp chứng quyền ở trạng thái có lãi (ở trạng thái in-the-money), nhà đầu tư sẽ thực hiện quyền, ghi:
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền
Nợ TK 6321 - Lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (Chi tiết lỗ phát hành chứng quyền = chênh lệch lỗ giữa giá thanh toán, giá thực hiện và giá ghi số chứng quyền)
Có TK 511- Thu nhập (Chi tiết lãi phát hành chứng quyền = chênh lệch lãi giữa giá thanh toán, giá thực hiện và giá ghi sổ chứng quyền).
Có TK 111, 112...
b. Trường hợp chứng quyền ở trạng thái lỗ (ở trạng thái out-of-money) hoặc trạng thái hòa vốn (at the money), nhà đầu tư sẽ không được thực hiện quyền, ghi:
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền (chi tiết phải trả chứng quyền = giá trị chứng quyền đã ghi sổ)
Có TK 511- Thu nhập (chi tiết lãi chứng quyền).
c. Trường hợp theo dõi chứng quyền chưa phân phối hết trên thị trường sơ cấp trên (Dư nợ TK 018) thì sau khi đáo hạn chứng quyền phải ghi giảm hết số nợ phải trả chứng quyền còn lại (ghi Có TK 018).
Trường hợp khi chứng quyền đáo hạn, nếu còn dư chứng khoán phòng ngừa rủi ro, số chứng khoán này sẽ chuyển sang chứng khoán tự doanh hoặc dự phòng cho chứng quyền khác.
9. Trường hợp chứng quyền bị hủy niêm yết và công ty chứng khoán phải thu hồi chứng quyền đang lưu hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 6321 - Lỗ bán các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (Trường hợp giá thu hồi chứng quyền cao hơn giá đã bán)
Nợ TK 329 - Phải trả chứng quyền
Có các TK 111, 112
Có TK 5111- Thu nhập từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ.
Đồng thời ghi:
Nợ TK 018 - Chứng quyền (đối với chứng quyền ở thị trường sơ cấp).
10. Nếu phát sinh tiền bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư tiền phạt trả chậm tiền cho nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Có các TK 111, 112.
11. Trường hợp công ty chứng khoán mua các chứng quyền của tổ chức khác phát hành để đầu tư thì hạch toán tương tự với tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ theo hướng dẫn tại Thông tư 334/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật