Nhiệm vụ của Thường trực hội đồng nhân dân trong việc phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân
Nhiệm vụ của Thường trực hội đồng nhân dân trong việc phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 21 Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 về việc ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành, cụ thể như sau:
Trong việc đôn đốc, kiểm tra và giám sát Uỷ ban nhân dân cùng cấp, các cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Yêu cầu Uỷ ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản về tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, thi hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
- Khi phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân địa phương thì Thường trực Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu Uỷ ban nhân dân hoặc cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương áp dụng các biện pháp để chấm dứt hành vi vi phạm, xem xét, xử lý và báo cáo kết quả với Thường trực Hội đồng nhân dân.
Trong trường hợp cần thiết, Thường trực Hội đồng nhân dân có thể trình ra kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân hoặc triệu tập kỳ họp bất thường để Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định;
- Phối hợp với Uỷ ban nhân dân giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung những biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Ban biên tập xin phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật