Tiêu chuẩn chức danh Giảng viên giáo dục nghề nghiệp hạng I
Theo quy định pháp luật thì Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) có các nhiệm vụ Giảng dạy lý thuyết hoặc vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành từ trình độ sơ cấp đến trình độ cao đẳng; giáo dục phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và tác phong công nghiệp cho người học thông qua quá trình giảng dạy; đánh giá kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp của người học; hoàn thiện các biểu mẫu, sổ sách quản lý lớp học được bố trí, phân công giảng dạy theo quy định; hướng dẫn người học làm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp (nếu có); hướng dẫn thực tập, thực tập kết hợp với lao động sản xuất; luyện thi cho người học tham gia kỳ thi tay nghề các cấp; học tập, bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao; thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn; dự giờ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên theo yêu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chủ trì hoặc tham gia biên soạn hoặc thẩm định các chương trình, giáo trình, sách tham khảo phục vụ giảng dạy; chủ trì hoặc tham gia thiết kế, cải tiến, chế tạo phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy học, xây dựng và quản lý phòng học chuyên môn; chủ trì tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong bộ môn, khoa, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hay sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở cấp cơ sở hoặc ngành; tổ chức hoạt động tư vấn khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ; viết các báo cáo khoa học, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài nước; tham gia công tác quản lý, công tác Đảng, đoàn thể và các công tác xã hội khác.
Theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BLĐTBXH thì tiêu chuẩn chức danh Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) được quy định cụ thể như sau:
1. Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
- Tâm huyết với nghề, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hòa nhã với học sinh, sinh viên, học viên (sau đây gọi chung là người học), đồng nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng.
- Tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, của ngành.
- Công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí.
- Các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khác của viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp.
2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Giảng viên dạy lý thuyết có bằng tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy; giảng viên vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề giảng dạy và có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành trình độ cao đẳng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH);
- Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ sư phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH;
- Có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau đây gọi là Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT) hoặc tương đương trở lên;
- Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (sau đây gọi là Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT) hoặc tương đương trở lên;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I).
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Có kiến thức chuyên sâu về ngành, nghề được phân công giảng dạy; có kiến thức về ngành, nghề liên quan; có hiểu biết sâu rộng về thực tiễn nghề nghiệp, về những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của ngành, nghề được phân công giảng dạy;
- Nắm vững kiến thức và hiểu biết sâu về nghiệp vụ sư phạm, vận dụng thành thạo các kỹ năng, phương pháp sư phạm vào giảng dạy; có khả năng đánh giá, tổng kết các kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy để phổ biến cho các giảng viên, giáo viên áp dụng;
- Nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và công nghệ; biết chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng những kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hoặc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào giảng dạy và thực tiễn nghề nghiệp;
- Chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 01 (một) chương trình, 01 (một) giáo trình chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy hoặc chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 02 (hai) sách chuyên ngành phù hợp với ngành, nghề được phân công giảng dạy;
- Đạt giải trong Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc hoặc Hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp toàn quốc hoặc Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc (sau đây gọi chung là Hội giảng cấp quốc gia) và đạt ít nhất một trong số những thành tích sau: chủ trì hoặc tham gia thiết kế, chế tạo ít nhất 01 (một) đồ dùng, thiết bị dạy học được giải trong Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc hoặc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc (sau đây gọi chung là Hội thi thiết bị tự làm cấp quốc gia); bồi dưỡng được ít nhất 01 (một) giáo viên, giảng viên đạt giải trong Hội giảng cấp quốc gia; bồi dưỡng được ít nhất 01 (một) người học đạt giải trong Hội thi tay nghề, Hội thi văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cấp quốc gia và 01 (một) người học đạt giải trong Hội thi tay nghề, Hội thi văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cấp khu vực, quốc tế hoặc bồi dưỡng được ít nhất 03 (ba) người học đạt giải trong Hội thi tay nghề, Hội thi văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cấp quốc gia trở lên;
- Chủ trì thực hiện ít nhất 02 (hai) đề tài khoa học cấp cơ sở hoặc 01 (một) đề tài cấp cao hơn đã được nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
- Có ít nhất 02 (hai) bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học hoặc được đăng tải trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc gia, quốc tế;
- Viên chức thăng hạng lên chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I) phải có thời gian công tác giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II) tối thiểu là 02 (hai) năm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật