Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp 2018
Theo quy định pháp luật hiện hành thì dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:
- Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
- Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
- Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Đại diện sở hữu công nghiệp là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó (người đại diện sở hữu công nghiệp).
Theo đó, một tổ chức để được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thì phải đáp ứng các điều kiện cụ thể được quy định tại Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009, cụ thể như sau:
- Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
- Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);
- Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức uỷ quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp sau đây:
- Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
- Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được uỷ quyền và được phép uỷ quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác, nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người uỷ quyền.
Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp có quyền từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nếu đã chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.
Pháp luật đồng thời quy định đại diện sở hữu công nghiệp không được thực hiện các hoạt động sau đây:
- Đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;
- Rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại về việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp nếu không được bên uỷ quyền đại diện cho phép;
- Lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật