Thuyền trưởng có địa vị pháp lý như thế nào?

Xin chào Ban biên tập, tôi tên Minh Tâm sinh sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Mình làm việc trong hoạt động hàng hải do đó mà có tìm hiểu một số vấn đề có liên quan, nhưng gặp phải một vài vướng mắc nhờ các bạn hỗ trợ giúp, cụ thể giai đoạn 2005-2014, Thuyền trưởng có địa vị pháp lý như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi. Chân thành cảm ơn! (0123****)

Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Bộ luật hàng hải 2005, địa vị pháp lý của thuyền trưởng được quy định như sau:

- Thuyền trưởng là người có quyền chỉ huy cao nhất ở trên tàu biển, chỉ huy tàu theo chế độ thủ trưởng. Mọi người có mặt trên tàu biển phải chấp hành mệnh lệnh của thuyền trưởng.

- Thuyền trưởng chịu sự chỉ đạo của chủ tàu hoặc người thuê tàu, người khai thác tàu.

- Bên cạnh đó, mình xin cung cấp thêm nghĩa vụ của thuyền trưởng:

+ Tổ chức quản lý, khai thác tàu biển theo quy định của pháp luật.

+ Chăm sóc chu đáo để tàu biển có đủ các điều kiện an toàn hàng hải cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, các quy định về trang thiết bị, vỏ tàu, dự trữ, chất lượng thuyền bộ và các vấn đề khác có liên quan đến an toàn hàng hải cho tàu biển và người ở trên tàu biển trước và trong khi tàu biển đang hành trình.

+ Quan tâm thích đáng để hàng hoá được bốc lên tàu biển, sắp xếp và bảo quản trên tàu biển, dỡ khỏi tàu một cách hợp lý, mặc dù các công việc này đã được giao cho những người có trách nhiệm thực hiện.

+ Chăm sóc chu đáo để hàng hoá trên tàu biển không bị hư hỏng, mất mát; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của những người có lợi ích liên quan đến hàng hoá; phải tận dụng mọi khả năng thông báo cho những người có lợi ích liên quan biết về những sự kiện đặc biệt liên quan đến hàng hoá.

+ Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tàu biển, người và các tài sản khác trên tàu biển.

+ Đưa tàu biển vào cảng an toàn gần nhất và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ tàu, người, tài sản trên tàu và tài liệu của tàu trong trường hợp cảng trả hàng hoặc cảng trả khách bị phong toả, chiến tranh đe dọa hoặc trong tình trạng khẩn cấp khác.

+ Tận dụng mọi khả năng cho phép để trước hết tổ chức cứu hành khách và sau đó cứu thuyền viên trong trường hợp tàu biển có nguy cơ bị chìm đắm hoặc bị phá huỷ.

Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu biển sau khi đã tìm mọi cách cứu nhật ký hàng hải, hải đồ và tài liệu quan trọng khác của tàu biển.

+ Không được rời tàu biển khi tàu biển đang gặp nguy hiểm, trừ trường hợp việc rời tàu là hết sức cần thiết.

+ Trực tiếp điều khiển tàu biển ra, vào cảng, kênh đào, luồng hàng hải và khi tàu hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc khi xảy ra các tình huống đặc biệt khó khăn, nguy hiểm.

+ Sử dụng hoa tiêu hàng hải, tàu lai trong các trường hợp do pháp luật quy định hoặc để bảo đảm an toàn cho tàu biển.

Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không loại trừ nghĩa vụ của thuyền trưởng quy định tại khoản 9 Điều này.

+ Thực hiện mẫn cán các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình theo đúng lương tâm nghề nghiệp.

+ Tổ chức tìm kiếm và cứu nạn những người đang trong tình trạng nguy hiểm trên biển, nếu việc thực hiện nghĩa vụ này không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu biển và những người đang ở trên tàu của mình. Chủ tàu không chịu trách nhiệm về việc thuyền trưởng vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản này.

+ Thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về địa vị pháp lý của thuyền trưởng. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Bộ luật hàng hải 2005. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thuyền trưởng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào