Điều kiện, hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp đối với thân nhân dân quân chưa tham gia BHXH khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn chết
1. Thứ nhất về điều kiện được trợ cấp đối với thân nhân, người mai táng dân quân chưa tham gia BHXH khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn chết
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 03/2016/NĐ-CP thì thân nhân và người mai táng của cán bộ, chiến sỹ dân quân chưa tham gia bảo hiểm xã hội khi thực hiện nhiệm vụ quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ và quyết định điều động của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ chính sách đối với dân quân khi cán bộ, chiến sĩ dân quân thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn chết trong các trường hợp sau:
- Trong thời gian và tại nơi làm nhiệm vụ quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 8 của Luật Dân quân tự vệ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền;
- Ngoài nơi làm nhiệm vụ hoặc ngoài giờ làm nhiệm vụ theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền;
- Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Theo đó, khi dân quân được xác định là bị tai nạn chết trong khi thực hiện nhiệm vụ thì thân nhân được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở và người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng chết.
2. Thứ hai, về hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp đối với thân nhân, người mai táng dân quân chưa tham gia BHXH khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn chết
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 03/2016/NĐ-CP thì hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị trợ cấp của dân quân hoặc thân nhân có ý kiến của Ban chỉ huy quân sự cấp xã và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Biên bản điều tra tai nạn của công an hoặc Ban chỉ huy quân sự cấp xã trở lên;
- Giáy báo tử;
- Văn bản thẩm định của Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.
3. Thứ ba, về thủ tục giải quyết trợ cấp đối với thân nhân, người mai táng dân quân (người đại diện hợp pháp của dân quân) chưa tham gia BHXH khi thực hiện nhiệm vụ bị tai nạn chết
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định 03/2016/NĐ-CP thì thủ tục giải quyết trợ cấp được thực hiện như sau:
- Người đại diện hợp pháp của dân quân lập 01 bộ hồ sơ theo quy định nộp trực tiếp cho Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã phải hướng dẫn cho nhân thân, người đại diện hợp pháp của dân quân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Ban chỉ huy quân sự cấp xã gửi Ban chỉ huy quân sự cấp huyện;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì Ban chỉ huy quân sự cấp huyện phải có văn bản thông báo rõ lý do cho người đề nghị biết. Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm thẩm tra và có công văn kèm theo hồ sơ gửi cơ quan quân sự cấp tỉnh;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định trợ cấp cho người đại diện hợp pháp của dân quân;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định trợ cấp, các cơ quan chức năng phải giải quyết chế độ cho người đại diện hợp pháp của dân quân.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật