Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm trong tố tụng hình sự được quy định ra sao?

Xin chào, tôi tên Hoàng Văn Thanh sinh sống và làm việc tại Đơn Dương, Lâm Đồng. Do em trai tôi có vi phạm pháp luật, nhưng tính chất và hành vi không gây nguy hiểm cho xã hội, nên gia đình có ý định đặt tiền để bảo đảm giúp em tôi tránh bị tạm giam. Sẵn sự việc của em trai tôi nên tôi muốn tìm hiểu về đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, vì với tôi nào giờ chưa nghe có biện pháp này bao giờ. Nhờ một người bạn học luật giải thích thì tôi đã hiểu nhưng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn, cụ thể giai đoạn 2003-2010, Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm trong tố tụng hình sự được quy định ra sao? Các bạn hỗ trợ giúp tôi nhé. (01234***)

Căn cứ theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm được quy định như sau:

1. Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

3. Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can hoặc bị cáo một bản.

4. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung quỹ Nhà nước và trong trường hợp này bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.

5. Trình tự, thủ tục, mức tiền hoặc giá trị tài sản phải đặt để bảo đảm, việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hoặc tài sản đã đặt được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm trong tố tụng hình sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng tìm hiểu thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ít cho bạn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào